Trạm bơm tại mỏ dầu Kern River ở Bakersfield, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã tăng dự báo về sản lượng dầu mỏ toàn cầu dựa trên mức sản lượng dầu mỏ tăng cao hơn dự báo tại Mỹ, đồng thời dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng trong dài hạn, đặc biệt tại các nước đang phát triển.
Trong báo cáo thường niên có tên “Triển vọng dầu mỏ thế giới” công bố ngày 23/9, OPEC dự đoán nguồn cung tất cả các sản phẩm hydrocarbon trên toàn cầu, chủ yếu là dầu và khí hóa lỏng, sẽ tăng từ mức hiện tại 98,4 triệu thùng/ngày lên 104,5 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và 111,9 triệu thùng/ngày vào năm 2040.
Những con số này cao hơn so với dự báo hồi năm ngoái, mà nguyên nhân là do sự gia tăng sản lượng dầu mỏ tại các nước ngoài OPEC mà đứng đầu là Mỹ. Cụ thể, tổng sản lượng khai thác của các nước ngoài OPEC được dự đoán sẽ tăng 8,6 triệu thùng/ngày lên 66,1 triệu thùng/ngày vào năm 2023 do nhu cầu toàn cầu tăng.
Theo OPEC, nhu cầu về dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng lên bất chấp sự gia tăng thị phần của các loại ôtô điện và các nước tăng cường chính sách khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Mặc dù vậy, nhu cầu này sẽ giảm trong giai đoạn 2035 - 2040.
Tổ chức trên nêu rõ nhu cầu về dầu mỏ có xu hướng tăng mạnh tại các quốc gia đang phát triển vốn có sự gia tăng dân số và phát triển về kinh tế.
Trái lại, nhu cầu này ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) lại có xu hướng giảm xuống kể từ đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ 21 cho dù dầu mỏ vẫn là nguồn năng lượng hàng đầu của thế giới cho tới tận năm 2040.
Trước đó một ngày, OPEC và các nước đối tác sản xuất dầu mỏ, trong đó có Nga, đã kết thúc cuộc họp tại thủ đô Algiers của Algeria mà không đưa ra đề xuất chính thức về tăng sản lượng dầu mỏ bổ sung.
Các quốc gia sản xuất dầu mỏ trong và ngoài OPEC bác bỏ mọi đề xuất tăng ngay lập tức hay bổ sung sản lượng dầu thô, từ chối hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng sản lượng nhằm hạ nhiệt thị trường dầu mỏ.