Hợp tác với Tập đoàn nước ngoài để xuất khẩu
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT PAN cho biết, chiến lược M&A vẫn tiếp tục nằm trong các kế hoạch góp phần tăng trưởng của Tập đoàn trong thời gian tới. Đối tượng PAN nhắm đến không chỉ các doanh nghiệp trực tiếp hoạt động trong 2 lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn là Nông nghiệp và Thực phẩm.
Cơ cấu cổ đông của PAN. |
“Chúng tôi sẽ M&A cả những công ty có tài sản tiềm năng dù đang kinh doanh chưa tốt để Tập đoàn đưa nguồn vốn vào, cũng như làm lại thị trường và thương hiệu cho công ty đó. Như với trường hợp Công ty giống cây trồng Trung Ương (Mã: NSC) đang tiến đến nắm 100% với giống cây trồng miền Nam (Mã:SSC)”, Chủ tịch PAN ví dụ.
Được biết, hiện PAN đang trong giai đoạn kết thúc đàm phán với một Tập đoàn nước ngoài và dự kiến từ tháng 06/2018, sẽ cùng hợp tác xuất khẩu hàng loạt sản phẩm của PAN.
Trong khi nhiều “đại gia” ở các ngành nghề kinh doanh khác nhau tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, ông Nguyễn Duy Hưng khẳng định, hiện Tập đoàn không có bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào. Ông lý giải, thị trường trên 93 triệu dân luôn đủ chỗ và tiềm năng cho bất cứ doanh nghiệp nào muốn tham gia, chưa kể việc xuất khẩu. Tuy nhiên, không dễ thành công bởi tùy thuộc vào 2 lợi thế cốt lõi là thị trường và con người. Đại diện này nhấn mạnh vào hệ thống phân phối và đội ngũ lãnh đạo từ các công ty con cũng như công ty liên kết của PAN.
Hệ thống các công ty con và công ty liên kết. |
Theo báo cáo thường niên của PAN, hiện tập đoàn đang có 150 nhà phân phối cùng 132.000 điểm bán hàng trên địa bàn cả nước.
Năm 2017, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PAN đạt 4.075 tỷ đồng và 503 tỷ đồng, tăng lần lượt 48% và 50% so với cùng kỳ 2016 cũng như tăng lần lượt 32% và 80% so với kế hoạch.
Trong đó, với lĩnh vực nông nghiệp (PAN Farm) đạt 1.520 tỷ đồng, đóng góp 37,3% vào tổng doanh thu cả Tập đoàn trong khi mảng thực phẩm (PAN Food) đạt doanh thu 2.555 tỷ đồng, đóng góp 62,7%, chiếm 37%. Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của Tập đoàn đạt 5.982 tỷ đồng, tăng 59% so với đầu năm cùng tiền mặt hơn 1.100 tỷ đồng, chiếm 19% tổng tài sản hợp nhất.
Năm 2017,PAN cũng thông qua hàng loạt thương vụ M&A như tháng 09/2017, PAN Food đã tăng tỷ lệ sở hữu tại Bibica từ 43,73% lên 50,07% và chính thức biến Bibica từ công ty liên kết thành công ty con. Ngoài ra, Công ty này cũng đã tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Thủy sản 584 Nha Trang lên 31,86% cũng như mua 20,1% tổng số vốn cổ phần CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) thông qua công ty con Aquatex Bến Tre (mã: ABT).
Lợi nhuận sau thuế 2018 tăng 29% so với 2017
Cấu trúc sở hữu của PAN Farm sẽ có sự thay đổi đáng kể trong năm 2018 khi NSC sẽ thực hiện việc chào mua công khai SSC để nâng tỷ lệ sở hữu của NSC với SSC lên 100%, đồng thời FMC đã trở thành công ty con của Tập đoàn sau khi PAN Farm đã thực hiện thành công chào mua công khai 11.494.667 cổ phiếu FMC (tương đương 29,5% vốn điều lệ) vào tháng 1/2018. Do đó, tính toán hợp nhất kết quả của FMC vào PAN Farm thì trong năm 2018, doanh thu của PAN Farm tăng mạnh so với năm 2017 với tốc độ tăng 228% và đóng góp 60% tổng kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2018 củaTập đoàn.
Tốc độ tăng trưởng của PAN trong 5 năm qua. |
Thêm vào đó, với mảng thực phẩm năm 2017, PAN Food đã hoàn thành việc nâng tỷ lệ sở hữu tại BBC đưa BBC trở thành một công ty con của PAN Food, đồng thời hoàn thành giai đoạn 1 Nhà máy Chế biến thực phẩm PAN tại Công ty Cổ phần Chế Biến Thực phẩm PAN (PFM). Dự kiến 2018, PAN Food tiếp tục chiến lược M&A các công ty mục tiêu có tiềm năng cũng như nâng cao tỷ lệ sở hữu tại các công ty đang sở hữu có tỷ lệ sinh lời tốt. Kế hoạch doanh thu của PAN Food trong năm 2018 tăng trưởng 36% nhờ sự tăng trưởng hoạt động kinh doanh chính các công ty thành viên (BBC, LAF, ABT) và doanh thu từ Nhà máy Chế biến thực phẩm PAN đi vào hoạt động với đầy đủ công suất dây chuyền giai đoạn 1.
Ông Nguyễn Duy Hưng cũng cho biết, mảng bán lẻ với PAN Retail, đang trong quá trình nghiên cứu dự án và sẽ không chỉ kinh doanh các sản phẩm của Tập đoàn.
So với cùng kỳ năm 2017, kế hoạch lợi nhuận hợp nhất trước thuế và sau thuế năm 2018 tăng lần lượt 14,3% và 6,4%. Tuy nhiên lợi nhuận cổ đông công ty mẹ PAN chỉ đạt 78% là do năm 2017, Tập đoàn ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Bibica sau khi nâng sở hữu tại đây lên 50,07% và trở thành công ty con của PAN Food. Nếu chỉ tính riêng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chính trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm thì năm 2018, lợi nhuận sau thuế Tập đoàn dự kiến đạt mức tăng trưởng 29% so với cùng kỳ 2017.
Thêm vào đó, HĐQT trình cổ đông việc phát hành 2,5 triệu cổ phiếu cho thành viên HĐQT, nhân sự chủ chốt của PAN và các công ty con, công ty liên kết. Giá phát hành dự kiến 10.000 đồng/cp, thời gian thực hiện trong năm, số lượng cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng 100% 2 năm đầu và 50% năm tiếp theo.
Đồng thời, Đại hội cũng tiến hành bầu cử HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2018-2022. Danh sách ứng cử vào Hội đồng quản trị gồm ông Nguyễn Duy Hưng, bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, ông Nguyễn Duy Khánh, bà Nguyễn Thị Trà My, ông Phạm Viết Muôn, ông Michael Sgn Beng Hock, ông Đặng Kim Sơn và bà Hà Thị Thanh Vân. Người mới là bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, chức vụ gần nhất là Giám đốc khối Đầu tư CTCP Chứng khoán Sài Gòn, ông Nguyễn Duy Khánh Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư NDH và Thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn; ông Phạm Viết Muôn – nguyên Phó chủ nghiệm VP Chính phủ (đã nghỉ hưu).
Danh sách ứng của vào Ban kiểm soát gồm bà Phạm Thị Hồng Nhung, ông Nguyễn Duy Hưng và bà Nguyễn Thị Thanh Hà. Trong đó có thành viên mới là bà Hồng Nhung, chức vụ gần nhất là Kế toán trưởng CTCP CSC Việt Nam (cổ đông lớn) và Chuyên viên hành chính PAN.