Thứ hạng trong PAPI 2019
Bến Tre, Đồng Tháp và Quảng Ninh là 3 tỉnh đạt mức điểm tổng hợp cao nhất trên Bảng Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2019, đều có mức điểm trên 46,6 điểm.
Bến Tre tiếp tục có điểm cao nhất là 46,74 điểm, với 7 chỉ số thành phần có điểm ở mức cao nhất, trừ chỉ số chính phủ điện tử có điểm trong nhóm thấp. Nhưng mức điểm này thấp hơn điểm của chính Bến Tre tại PAPI 2018. Năm ngoái, Bên Tre đạt 47,5 điểm.
Như vậy, khoảng cách với điểm tối đa (80 điểm) trong PAPI 2019 lại doãng ra.
Cũng trong nhóm có điểm trung bình tốt nhất, có 16 tỉnh, thành phố, có dải điểm từ 44,80 đến 46,74 điểm.
Nhóm có điểm số trung bình cao cũng gồm 16 tỉnh, dải điểm từ 43,72 đến 44,72 điểm. TP.HCM nằm trong nhóm này với 43,79 điểm, tăng hơn mức điểm 42,40 của năm 2018 nhờ tăng điểm ở 4 chỉ số.
Nhóm điểm số trung bình thấp có 15 tỉnh, dải điểm từ 42,38 đến 43,70. Thái Bình có điểm cao nhất trong nhóm này.
Trong 16 tỉnh còn lại nằm trong nhóm có điểm số thấp nhất, có Hà Nội với mức điểm 42,53 điểm, Hải Phòng 41,54 điểm, Hưng Yên 41,25 điểm.
Hà Nội chỉ có 2 chỉ số là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở và quản trị điện tử đạt được mức điểm trung bình cao; chỉ số cung cấp dịch vụ công đạt điểm trung bình thấp. Các chỉ số còn lại đều rơi vào nhóm điểm thấp, gồm công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công và quản trị môi trường.
Thấp nhất trong bảng xếp hạng điểm tổng hợp là Bình Định với 40,84 điểm.
Kiểm soát tham nhũng khu vực công có cải thiện
Bà Cailtin Wiesen, Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phát biểu tại Lễ công bố trực tuyến Báo cáo PAPI 2019, ngày 28/4/2020.
Trong PAPI 2019, cải thiện lớn nhất được ghi nhận ở lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (có tác động lớn nhất đến mức độ hài lòng của người dân) và nâng cao công khai, minh bạch trong ra quyết định.
Kết quả này phù hợp với những nỗ lực cải cách thu hút sự quan tâm lớn của công luận với mũi nhọn là chiến dịch phòng chống tham nhũng liên quan tới một số lãnh đạo chủ chốt.
Báo cáo PAPI 2019 cho thấy tác động rõ nét của chiến dịch phòng chống tham nhũng lên cảm nhận của người dân về tham nhũng lớn và tham nhũng vặt. Lĩnh vực này cải thiện mạnh mẽ nhất trong năm 2019 ở cấp quốc gia và cấp xã phường – với tỷ lệ người dân cho biết tham nhũng giảm ở hai cấp này tăng 5% so với năm 2018.
Tuy điểm của chỉ số kiểm soát tham nhũng đã cải thiện, song các chuyên gia lưu ý vẫn còn tỷ lệ đáng kể (từ 20 đến 45%) người dân cảm nhận tham nhũng còn phổ biến trong một số dịch vụ công. Điều này cho thấy cần tăng cường nỗ lực kiểm soát tham nhũng trong những năm tới.
Đáng ngạc nhiên, điểm số của lĩnh vực thủ tục hành chính công gần như không thay đổi và thậm chí đi xuống một chút trong năm 2019, dù khu vực doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện và nỗ lực đẩy mạnh quản trị điện tử những năm gần đây để đơn giản hóa thủ tục cho người dân.
Tuy nhiên, việc Chính phủ ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia vào tháng 12/2019 được đánh giá là đánh dấu một bước quan trọng trong định hướng đúng đắn này. Trong thời gian dịch Covid-19, quan tâm của các nhà lãnh đạo và người dân đối với việc sử dụng cổng thông tin trực tuyến đã tăng lên đáng kể. Sẽ rất thú vị để đón xem sự thay đổi điểm số của lĩnh vực quản trị điện tử trong thời gian tới.
Đói nghèo, lao động, việc làm vẫn là các mối quan ngại lớn
Trong 5 năm qua, đói nghèo luôn là mối quan ngại lớn nhất của người dân Việt Nam và năm 2019 cũng không là ngoại lệ đối với gần một phần tư người tham gia khảo sát PAPI.
Lao động và việc làm tiếp tục nằm trong nhóm bốn vấn đề người dân quan ngại nhất từ năm 2015, bất chấp nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tạo ra nhiều việc làm mới.
Những quan ngại này có khả năng gia tăng trong những tháng tới khi có nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Kết quả PAPI cho thấy công dân không có bảo hiểm xã hội nhìn nhận đói nghèo là vấn đề cấp bách. Thiếu chắc chắn về nguồn lực dự phòng trong tương lai dường như khiến người dân lo lắng hơn. Gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa có tiền lệ ước tính 2,6 tỷ USD được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dự kiến hỗ trợ khoảng trên 10% dân số sẽ giúp giải quyết một số vấn đề này.
Vấn đề môi trường tiếp tục đứng thứ ba trong các mối quan ngại của người dân trong năm 2019. Điều này hàm ý môi trường đã trở thành vấn đề nóng đối với người dân Việt Nam. Kết quả này nhấn mạnh tầm quan trọng của ưu tiên phản ứng chính sách đối với vấn đề chất lượng không khí và nguồn nước giảm sút. Ở hầu hết các tỉnh thành, người dân tham gia khảo sát phản ánh chất lượng không khí giữ nguyên hoặc giảm đi.
- Khảo sát 14.138 công dân Việt Nam, được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh thành. Các kết quả phân tích từ trải nghiệm và lăng kính của người dân cung cấp thông tin cho chương trình nghị sự phát triển bền vững của quốc gia và các nhà hoạch định chính sách vào thời điểm quan trọng khi Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho thập kỷ tới cũng như giải quyết khủng hoảng kép về y tế và kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra.
- Từ năm 2018, PAPI gồm 8 chỉ số nội dung, gồm sáu chỉ số nội dung gốc (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công); và hai chỉ số nội dung mới (quản trị môi trường và quản trị điện tử).
- Báo cáo PAPI 2019 là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.