Thặng dư vốn cổ phần của Petrolimex đã tăng mạnh trong nửa đầu năm nhờ các đợt bán cổ phiếu quỹ. |
Lãi kỷ lục nhờ giá dầu tăng
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) báo lãi kỷ lục trong quý II/2021. So với mức nền thấp cùng kỳ năm 2020, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của “ông lớn” ngành xăng dầu cũng đạt đến 121%.
Theo ông Nguyễn Bá Tùng, Kế toán trưởng Petrolimex, giá dầu thế giới có xu hướng tăng từ 58,65 USD/thùng đầu quý lên 73,47 USD/thùng cuối quý là một trong các nhân tố thúc đẩy kết quả kinh doanh của công ty. Chính sách kiểm soát và phòng dịch cũng giups hoạt động kinh doanh xăng dầu hội tụ được các yếu tố thuận lợi.
Riêng quý II, Petrolimex thu về 46.617 tỷ đồng doanh thu và 1.728 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng lần lượt là 74% và 121% so với cùng kỳ. Không chỉ tăng trưởng mạnh từ mức nền thấp, lợi nhuận quý II còn đạt mức cao nhất kể từ khi Petrolimex niêm yết trên sàn chứng khoán hồi năm 2107. Bình quân mỗi ngày, hãng xăng dầu này thu về 512 tỷ đồng doanh thu và gần 19 tỷ đồng lợi nhuận.
Trong nửa đầu năm 2021, doanh thu của Petrolimex tăng 30% so với cùng kỳ lên 84.886 tỷ đồng. Còn lợi nhuận trước thuế bật tăng từ khoản lỗ 920 tỷ đồng lên mức lãi 2.700 tỷ đồng, hoàn thành 82% kế hoạch năm.
Theo ông Đào Minh Châu, chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI, lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn phục hồi chủ yếu đến từ mảng xăng dầu. Dù đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu vào cuối tháng 4, sản lượng trong quý II/2021 ước tính đi ngang và cao hơn 4% so với quý II/2019 do tập đoàn có thể mở rộng thị phần trong bối cảnh chính phủ thắt chặt kiểm soát buôn lậu xăng dầu.
Tồn kho cao nhất từ quý II/2018, thêm hàng ngàn tỷ đồng thu về từ bán cổ phiếu quỹ
Ngoài ghi nhận kỷ lục lợi nhuận, Petrolimex cũng đang neo tồn kho ở mức cao, chỉ thấp hơn hồi cuối quý II/2018. Tại ngày 30/6, giá trị tồn kho tại tập đoàn xấp xỉ 12.556 tỷ đồng, tăng thêm 3.145 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 18,4% tổng tài sản. Đồng thời, dự phòng giảm giá tồn kho cũng tăng từ 22 tỷ đồng lên 118 tỷ đồng.
Xu hướng tăng của giá xăng dầu được duy trì ổn định trong quý II/2021 và là một trong các nhân tố hỗ trợ tích cực lợi nhuận tập đoàn. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7, cùng với một số thị trường hàng hoá khác, giá các hợp đồng tương lai dầu thế giới chuyển sang giai đoạn điều chỉnh, có thời điểm rơi xuống mức 67 USD/ thùng hồi giữa tháng 7 nhưng hiện đã hồi phục đáng kể. Chi phí để trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho từng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp xăng dầu nói chung và Petrolimex nói riêng “bốc hơi” lợi nhuận ở giai đoạn giá xăng dầu lao dốc như hồi quý I/2020.
Ngoài tồn kho, lượng lớn tài sản của Petrolimex là tiền mặt và các khoản tiền gửi ngân hàng với giá trị xấp xỉ 20.170 tỷ đồng, tương đương 29,5% tài sản. Đến cuối quý II/2021, tổng tài sản của Petrolimex tăng lên 68.380 tỷ đồng, tăng gần 7.280 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Phần nhiều là do tăng các khoản phải thu – phải trả với đối tác và tích trữ tồn kho.
Nguồn vốn của tập đoàn đã tăng lên đáng kể nhờ tăng thặng dư vốn cổ phần sau các thương vụ bán cổ phiếu quỹ.
Quy mô vốn điều lệ của Petrolimex không thay đổi kể từ khi niêm yết đến nay, duy trì ở mức 12.939 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này thường xuyên gia tăng khoản thặng dư vốn cổ phần nhờ bán cổ phiếu quỹ. Dự kiến, tập đoàn sẽ tiếp tục bán ra 8 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 6/8 đến 3/9. ENEOS Corporation, đơn vị liên quan đến cổ đông lớn cũng đồng thời là nhà đầu tư chiến lược JX Nippon Oil & Energy Việt Nam, đã đăng ký mua đúng số lượng mà Petrolimex chào bán. Các đợt chào bán trước đây, nhóm cổ đông này cũng liên tục gia tăng sở hữu.
Nếu thực hiện thành công, nhóm cổ đông Nhật Bản sẽ tăng sở hữu lên 13,49% sau giao dịch. Với Petrolimex, đợt bán cổ phiếu quỹ sẽ tiếp tục giúp tập đoàn thu hồi vốn, tăng thặng dư vốn cổ phần. Trong nửa đầu năm 2021, phần thặng dư này đã tăng lên 2.300 tỷ đồng lên 7.285 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay tại ngày 30/6 xấp xỉ 60%. Tuy nhiên, nguồn vay từ kênh tín dụng ngân hàng chỉ khoảng 15.700 tỷ đồng, tương đương gần 23% tổng nguồn vốn.
Rục rịch chuẩn bị cho đợt chào bán cổ phần PGBank
Petrolimex còn đang đầu tư vào các công ty liên kết với giá trị hơn 3.120 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn góp 40% cổ phần Ngân hàng TMCP Xăng dầu Việt Nam (PGBank), tương đương 120 triệu cổ phiếu PGB, nằm trong kế hoạch thoái vốn của tập đoàn. Theo chia sẻ mới đây của bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI, Petrolimex đang thực hiện các thủ tục cần thiết để thoái 120 triệu cổ phiếu PGB trên. Mốc thời gian được đưa ra là quý III/2021.
Ước tính theo giá cổ phiếu PGB đóng cửa ngày 3/8 (20.300 đồng/cổ phiếu), Petrolimex có thể thu về 2.436 tỷ đồng. Con số này cao gấp rưỡi giá trị sổ sách của PGB vào cuối tháng 6. “Điều này có thể mang lại khoản lợi nhuận bất thường hơn 800 tỷ đồng cho PLX nếu sử dụng giá tham chiếu này là giá thoái vốn”, chuyên gia phân tích từ Chứng khoán SSI cho hay.