Sức khỏe doanh nghiệp
Petrolimex lỗ ròng hơn 1.800 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh thâm hụt lớn
Thanh Thủy - 05/05/2020 10:29
Chỉ riêng trong ba tháng đầu năm, dòng tiền hoạt động kinh doanh chi ra vượt số thu vào 1.970 tỷ đồng. Các khoản phải trả cần tất toán, trong khi vẫn tăng bán chịu cho khách hàng tạo áp lực lên dòng tiền của ông lớn này. Dù vậy, Petrolimex vẫn đang có sẵn lượng tiền khủng, tổng cộng gần 15.850 tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN
Petrolimex lỗ lớn quý I/2020 kéo lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm còn chưa đến 1.850 tỷ đồng

Mạng lưới bán hàng trở thành gánh nặng của ông lớn bán lẻ xăng dầu

Lĩnh vực bán lẻ xăng dầu vốn cũng được giới đầu tư dự báo sẽ có một kỳ kinh doanh khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Trước đó, PV Oil (mã OIL) cũng đã công bố khoản lỗ tới 530 tỷ đồng. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thậm chí còn ngấm đòn nặng hơn. Kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp đang sở hữu thị phần lớn nhất cả nước ghi nhận mức tăng trưởng âm 8,3% của doanh thu và khoản lỗ lớn hơn 1.800 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh thu bán hàng của tập đoàn xấp xỉ 39.495 tỷ đồng, trong khi giá vốn gần 38.030 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ mức hơn 9% cùng kỳ xuống còn 3,7%. Nguyên nhân bởi giá bán lẻ xăng dầu đã ghi nhận 6 kỳ điều hành giảm liên tiếp trong quý I vừa qua, đưa giá xăng về mức thấp nhất trong vong 11 năm, kể từ tháng 4/2009. Trong khi đó, ngoài việc phải ghi nhận giá vốn cao do sử dụng tồn kho xăng dầu đã tích trữ từ trước, Petrolimex còn phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 1.600 tỷ đồng.

Sở hữu một mạng lưới phân phối lớn là một trong các lợi thế giúp Petrolimex giữ vững ngôi vương thị phần. Nhưng trong thời dịch, chi phí bán hàng dù đã tiết giảm hơn 10% “ngốn” một khoản lớn (hơn 2.000 tỷ đồng). Phần lớn trong số này là chi phí cho nhân viên (760 tỷ đồng), khoảng 210 tỷ đồng là chi khấu hao tại các mặt bằng bán lẻ, hơn 570 tỷ đồng chi cho dịch vụ mua ngoài…

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Petrolimex lỗ ròng 1.810 tỷ đồng. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu âm 1.590 đồng. Khoản lỗ kỳ này đã khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của tập đoàn giảm còn 1.847 tỷ đồng vào ngày 31/3. Theo kế hoạch, Petrolimex sẽ chi trả khoản cổ  tức bằng tiền với tỷ lệ 20% vào ngày 27/4, tương đương sẽ làm hụt thêm 2.588 tỷ đồng phần lợi nhuận tích lũy này.

Dòng tiền âm 1.970 tỷ đồng, công nợ với Vietjet Air tiếp tục tăng

Phần cổ tức năm 2019 tạm ứng vào tháng 4 tới đồng thời cũng tác động đến dòng tiền của Tập đoàn này. Đến cuối quý I/2020, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Petrolimex vẫn rất dư dả (15.846 tỷ đồng). Nhưng so với thời điểm đầu năm, tổng lượng tiền đã giảm 9,3%. Riêng tiền và tương đương tiền (tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 3 tháng) giảm 616 tỷ đồng.

Trong quý này, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đã âm tới 1.970 tỷ đồng trong quý. Petrolimex phải chi ra nhiều hơn để tất toán các khoản phải trả nhà cung cấp, đối tác (hơn 6.300 tỷ đồng). Trong khi đó, tập đoàn vẫn áp dụng chính sách bán chịu cho khách hàng cũng như một số khoản phải thu khác. Một trong các khách hàng lớn của Petrolimex là hãng hàng không Vietjet đã tăng công nợ phải thu thêm 40% lên 1.368 tỷ đồng vào cuối quý I/2020.

Trong cơ cấu tài sản của Petrolimex, các khoản phải thu trị giá 8.380 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tới 15% tài sản, chỉ sau giá trị tài sản cố định (15.450 tỷ đồng) và các khoản tiền và tương đương tiền. Cùng với sự sụt giảm doanh thu, quy mô tài sản hãng bán lẻ xăng dầu này cũng giảm 10,8% ở mức xấp xỉ 55.080 tỷ đồng sau quý kinh doanh nhiều khó khăn này.

Tin liên quan
Tin khác