Nhiều ý kiến cho rằng, việc giải ngân chậm vốn NSNN, trái phiếu chính phủ và ODA đã ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng GDP. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn NSNN mới đạt 32,2% kế hoạch (cùng kỳ đạt 44,4%); vốn trái phiếu chính phủ đạt 23% kế hoạch (cùng kỳ đạt 34%); vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài giải ngân ước đạt 1.850 triệu USD, giảm 3,5% so vơi cùng kỳ năm trước. Hiện tại, chúng tôi đang tính toán xem việc giải ngân chậm 3 nguồn vốn này ảnh hưởng thế nào tới tốc độ tăng trưởng GDP.
Tôi cho rằng, 3 nguồn vốn kể trên giải ngân chậm ít nhiều làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP, nhưng không nhiều.
| |
PGS-TS Đào Văn Hùng, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Vậy nguyên nhân khiến GDP tăng chậm là gì, thưa ông?
Tôi đồng tình với nhận định của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay chậm lại so với năm 2015 do tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,1%; ngành công nghiệp khai khoáng 2,2%; giải ngân vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu chính phủ, ODA thấp xa so với kế hoạch. Đồng thời, tôi xin bổ sung thêm một nguyên nhân nữa là do giá khoáng sản than đá và dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh cũng ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng GDP.
Theo ông, đầu tư công năm nay chậm lại do đâu?
Thứ nhất, Luật Đầu tư công mới có hiệu lực từ 1/1/2015, trong quá trình triển khai đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành về trình tự, quy định, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, giao kế hoạch đầu tư công… chặt chẽ hơn rất nhiều so với trước đây, nên trong quá trình triển khai có sự lúng túng. Tôi cho rằng, quy định chặt chẽ trong Luật Đầu tư công là phù hợp để nâng cao hiệu quả nguồn vốn.
Thứ hai, sau bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, bộ máy mới hình thành cần phải có thời gian nhất định để sắp xếp, tổ chức, phân giao công việc cụ thể cho từng cá nhân mới bắt tay vào công việc bình thường.
Thứ ba, từ 16 chương trình mục tiêu quốc gia, năm nay thu gọn lại chỉ còn Chương trình Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình sắp xếp cũng phải có thời gian mới tiến hành được.
Thứ tư, theo quy định Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thì các dự án xây dựng mới không được thành lập ban quản lý dự án mà phải thuê ban quản lý chuyên ngành, hoặc ban quản lý dự án khu vực, nhưng chưa có thông tư hướng dẫn nên chủ đầu tư rất lúng túng.
Với tình hình này, theo ông, cuối năm nay liệu có hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công?
Chính phủ rất sốt ruột trước thực tế đầu tư công bị chậm trễ nên đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP (ngày 8/7/2016) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản hướng dẫn về đầu tư công, trước ngày 8/8/2016 ban hành Thông tư hướng dẫn về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; trước 15/7/2016, hoàn thiện dự thảo Nghị định về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành rà soát Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật liên quan, đề xuất báo cáo Chính phủ trong quý III/2016…
Với sự chỉ đạo quyết liệt cộng với thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là trước 30/9/2016, dự án nào không giải ngân được tối thiểu 30% vốn sẽ không được bố trí vốn đầu tư nữa, tôi cho rằng, các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, chủ dự án phải “vắt chân lên cổ” mà chạy để giải ngân kịp thời nguồn vốn đầu tư công.
Cụ thể là giải ngân vốn đầu tư công khi nào mới thực sự vào guồng, thưa ông?
Trong quý III này, các dự án đang đầu tư sẽ đẩy mạnh giải ngân, nhưng phải đến quý IV, tốc độ giải ngân vốn đầu tư mới thực sự mạnh. Bởi bên cạnh các dự án cũ tiếp tục tăng tốc, thì các dự án mới bắt đầu giải ngân, vì kể từ khi có chủ trương đầu tư đến khi khởi công dự án, công trình phải mất 6 - 9 tháng chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thủ tục.