Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên Đán Bính Thân 2016, theo quy luật, đây là dịp các đối tượng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái tập kết hàng để tung ra thị trường. Với các lực lượng chức năng, đây là thời điểm chín muồi để “hốt ổ”, tấn công vào sào huyệt của tội phạm buôn lậu.
“Hốt ổ” nhiều kho hàng lậu
Nếu như việc chặn hàng lậu từ các cánh cửa biên giới, trên biển là “chân thứ nhất” chặn đầu nguồn, thì việc đột kích vào các kho hàng lậu ở các địa điểm tập kết trước khi tung ra thị trường là “chân thứ hai” của chống buôn lậu chặn ở hạ nguồn. Với chiến lược này, các lực lượng chống buôn lậu đang ráo riết tấn công vào các kho tập kết hàng lậu.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra hàng tại kho hàng hóa tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm |
Mới đây nhất, hàng loạt kho hàng lậu đã bị lực lượng chức năng đột kích.
Tại Kho hàng của Ga Giáp Bát, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) đã phát hiện khoảng 2 tấn tân dược được đóng trong 25 thùng carton, mỗi thùng chứa 100.000 lọ loại 100 viên. Toàn bộ số tân dược trên đều có xuất xứ từ Trung Quốc và nhập về từ phía Bắc, không có hoá đơn chứng từ. Ước tính, lô hàng có trị giá 3 tỷ đồng.
Còn tại kho hàng ở địa chỉ 6B, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Long Biên, Hà Nội), Đội Quản lý Thị trường số 4 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), lực lượng đặc nhiệm 113 của Bộ Công an và lực lượng của Bộ Y tế phát hiện hàng chục tấn mỹ phẩm, bánh kẹo, thực phẩm chức năng… nghi là hàng lậu. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng chưa xuất trình được đầy đủ hóa đơn, chứng từ bản gốc của số hàng hóa. Toàn bộ hàng hoá chất đầy trong hai nhà xưởng với diện tích khoảng 450 m2 đều không có nhãn phụ và không có số lưu hành trên sản phẩm. Các mặt hàng trong kho gồm: bánh kẹo, nước uống, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... đều có bao bì ghi chữ Hàn Quốc, không có nhãn mác bằng tiếng việt theo quy định.
Chủ kho hàng trên là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thành Hoa (số 3, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội), Giám đốc là bà Mai Thị Quỳnh Hoa. Theo tìm hiểu, kho hàng trên được Công ty Thành Hoa thuê của Công ty cổ phần Thiết bị công nghiệp Đại Đồng từ ngày 1/11/2015 - 31/12/2015 làm chỗ chứa và phân phối sản phẩm.
Trước đó, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu (Bộ Công an) phối hợp với Công an Hà Nội và Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện một lượng lớn hàng hóa có nguồn gốc không rõ ràng đang tập kết tại kho hàng thuộc Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội.
Tai kho chứa hàng hóa của Trạm vận tải đường sắt Hà Nội (thuộc Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội), lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu giữ 20 hóa đơn và 187 kiện hàng, chủ yếu gồm các mặt hàng như quần áo, giày dép, linh phụ kiện điện thoại, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng… tổng trọng lượng gần 30 tấn, trị giá ước tính khoảng 10 tỷ đồng.
Theo nhận định của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu, trong vụ việc này các đối tượng đã sử dụng hóa đơn bán hàng có dấu hiệu in giả để hợp thức hóa nguồn gốc hàng, cũng như qua mắt cơ quan chức năng trong quá trình chuyển từ Ga Hà Nội đi vào các tỉnh phía Nam để tiêu thụ.
Tại khu tập kết lưu trữ hàng hóa ở Pháp Vân (quận Hoàng Mai, Hà Nội), lực lượng liên ngành gồm Cục phòng chống tội phạm và buôn lậu (C74-Bộ Công an), Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội và Đội 4, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra phát hiện số hàng lậu lớn 200 bao tải gồm: quần áo, giày dép, linh kiện điện thoại, thực phẩm chức năng, nhân sâm... Ước tính ban đầu, trị giá số hàng trên hơn 10 tỷ đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, các chủ hàng đã xuất trình nhiều hóa đơn giá trị gia tăng, nhưng qua công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều loại hóa đơn không được đăng ký với cơ quan thuế và không có số tài khoản ngân hàng, mã số thuế. Bước đầu, lực lượng chức năng đã xác định toàn bộ số hàng trên có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
“Nóng” cuộc chiến chống hàng lậu cuối năm
Ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 cho rằng, dù đã thu được một số kết quả đáng chú ý, nhưng công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa tạo được những chuyển biến căn bản, tình hình vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, làm thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế
“Căn cứ vào diễn biến thị trường, từ này đến Tết Bính Thân 2016 tình hình buôn lậu sẽ phức hơn. Vì vậy, ngoài việc tấn công trọng điểm vào các kho tập kết hàng lậu , chúng tôi sẽ chú trọng vào việc kiểm soát các tuyến đường bộ, bến xe, ga tàu, các điểm tập kết hàng hóa nhằm kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu các mặt hàng liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh”, ông Hùng cho biết.
Để chủ động ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Ban Chỉ đạo 389 vừa ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 yêu cầu các lực lượng xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá các tụ điểm tập kết hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm từ khu vực biên giới đến các tụ điểm trong nội địa; tập trung phát hiện, bắt giữ các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất hàng giả để đưa ra truy tố, xét xử.
Ban Chỉ đạo 389 yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, các tuyến biên giới trên bộ, trên biển, các tuyến vận tải từ biên giới vào nội địa, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các khu vực buôn bán khác trong nội địa nhằm phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả.