Thời sự
Phải đảm bảo công bằng, không phân biệt đối xử giữa khám, chữa bệnh dịch vụ và bảo hiểm y tế
Nguyễn Lê - 25/09/2024 14:00
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, một trong những bức xúc hiện nay là thanh quyết toán bảo hiểm y tế, bảo đảm thuốc cho người dân khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Phiên họp sáng 25/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Tại tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, luật sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trên cơ sở giữ ổn định tỷ lệ hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của luật hiện hành.

Dự thảo luật bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.

Dự thảo luật cũng quy định, người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú khi đi khám, chữa bệnh tại cơ sở không đúng cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và quy định về chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cụ thể là người bệnh được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh theo tỷ lệ quy định và không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến khi người bệnh được xác định mắc một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục bệnh và quy định của Bộ trưởng Y tế.

Quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng được sưa đổi để đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật.

Theo đó, dự thảo luật quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu nơi người bệnh đăng ký hoặc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu để quản lý, theo dõi đối với các bệnh mạn tính và sử dụng, cấp phát thuốc chuyên khoa, thuốc sử dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn.

Cạnh đó, trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thực hiện được dịch vụ kỹ thuật hoặc điều trị bệnh phù hợp với tình trạng bệnh thì người bệnh được đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi chuyên môn phù hợp và không phải thực hiện thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Thẩm tra sơ bộ, về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, Thường trực Ủy ban Xã hội nêu, dự thảo Luật quy định “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản, chuyên sâu đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu được tổ chức đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu”.

Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, quy định như vậy sẽ làm mất đi tính công bằng giữa các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khi có người được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ở cấp chuyên sâu, người lại chỉ được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ở cấp cơ bản và cấp ban đầu, hơn nữa cũng gây ra bất bình đẳng giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu, cơ bản, chuyên sâu khi thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu. Trong bối cảnh hiện nay, việc này có thể dẫn đến việc xin - cho được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu từ phía người dân và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; nguy cơ lạm dụng chính sách để được chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dễ dàng từ cơ sở  khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu.

Ngoài ra, quy định như dự thảo Luật cũng chưa phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội về đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm tải cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên sâu tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh .

Trên thực tế, vẫn có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cơ bản, chuyên sâu thực hiện chức năng khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí điều kiện cụ thể, các trường hợp đặc thù được tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.

Bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục xác định rõ“một số cơ sở” là những cơ sở nào để đảm bảo tính minh bạch, khả thi của quy định

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói, một trong những bức xúc hiện nay là thanh quyết toán bảo hiểm y tế, bảo đảm thuốc cho người dân khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, làm sao phải đảm bảo công bằng giữa khám, chữa bệnh dịch vụ và khám bảo hiểm y tế, không được phân biệt đối xử.

“Phải quán triệt căn bản để người có tiền đi khám dịch vụ và người không có tiền đi khám BHYT được đối xử công bằng”, ông Mẫn phát biểu, đồng thời nhấn mạnh cần giải quyết căn cơ tận gốc, thay vì chỉ giải quyết khi có dư luận chỗ này hay chỗ khác.

Về việc chuyển tuyến điều trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý việc bổ sung các đối tượng đảm bảo công bằng. “Nếu đã mua BHYT thì có thể đi toàn quốc, đến tỉnh nào, huyện nào có thẻ BHYT đều được khám, được thanh toán. Lộ trình tiến tới làm sao cho đơn giản”, Chủ tịch Quốc hội gợi mở.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói việc chuyển BHYT và thanh toán BHYT cần rà soát xem còn vướng gì. “Người ta đang đi sản xuất kinh doanh trên đường, dù đăng ký bệnh viện huyện nhưng đến bệnh viện nào cũng phải cho người ta khám, chữa bệnh”, ông đề nghị.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị nên chăng bổ sung đối tượng cận nghèo được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú khi khám bệnh tại cơ sở không phải cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu.

“Một gia đình được tổ chức nào tài trợ cái tivi là lên cận nghèo. Sét đánh cháy cái tivi lại xuống nghèo ngay”, Phó chủ tịch Quốc hội nói.

Tin liên quan
Tin khác