Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp một cách thực chất được hiểu thế nào, thưa ông?
Là thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc các ngành mà Nhà nước không cần sở hữu trên 50% vốn và thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định tại các ngành còn lại, đồng thời giảm bớt số lượng ngành nghề Nhà nước cần nắm giữ đa số cổ phần.
. |
Phải thoái vốn một cách thực chất vì doanh nghiệp nhà nước nói chung hoạt động chưa hiệu quả, quản trị doanh nghiệp còn yếu kém. Việc sắp xếp, đổi mới khu vực kinh tế nhà nước, cổ phần hóa (CPH) còn chậm so với yêu cầu và lộ trình đã phê duyệt. Hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp còn thấp. Thoái vốn nhà nước càng trở nên bức xúc trước việc một loạt dự án ngàn tỷ đồng của doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, ngừng hoạt động, làm thất thoát, lãng phí, như Xơ sợi Đình Vũ, Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, Gang thép Thái Nguyên mở rộng, Bột giấy Phương Nam, Đạm Ninh Bình...
Nhưng công tâm mà nói, thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã hết sức nỗ lực trong CPH, thoái vốn, ít nhất là đã ban hành tương đối đồng bộ các cơ chế, chính sách?
Trước hết phải nói rằng, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là thoái vốn, CPH, là chủ trương hợp lòng dân. Đây là mục tiêu rất lớn, có thể coi là cuộc cách mạng nền kinh tế lần thứ hai (lần thứ nhất là tiến trình mở cửa được khởi động từ năm 1986). Bởi nếu không thực hiện cuộc cách mạng lần thứ hai, thì đừng nói đến chuyện phát triển bền vững trong một nền kinh tế toàn cầu như hiện nay.
Ý thức được tầm quan trọng đó, từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định về CPH, gồm Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP và Nghị định 116/2015/NĐ-CP theo hướng thực hiện công khai, minh bạch quá trình CPH; tăng cường sự kiểm tra, giám sát; thực hiện nguyên tắc thị trường trong định giá và bán đấu giá cổ phần; hướng dẫn cụ thể xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính khi CPH, hạn chế tối đa khả năng thất thoát vốn và tài sản nhà nước trong quá trình đa dạng hóa sở hữu; đẩy mạnh phân cấp và quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong CPH.
Cũng trong thời gian này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, đó là Quyết định 14/2011/QĐ-TTg và Quyết định 37/2014/QĐ-TTg làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng phương án CPH theo hướng giảm số lượng doanh nghiệp mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối, chỉ duy trì doanh nghiệp trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và các lĩnh vực mà doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân không tham gia.
Nhưng kết quả đạt được xem ra lại chưa mấy khả quan, thưa ông?
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 11 tháng qua đã có 56 doanh nghiệp được phê duyệt phương án CPH, trong đó có 6 tổng công ty nhà nước với tổng giá trị thực tế là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước là 24.390 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, các đơn vị đã thoái được 3.558 tỷ đồng, thu về 6.569 tỷ đồng.
Như vậy, nếu cộng với số lượng doanh nghiệp đã CPH trong giai đoạn 2011 - 2015 thì chưa đạt mục tiêu đặt ra. Cụ thể, trong giai đoạn này, CPH được cả thảy 508 đơn vị. Nhìn vào số lượng doanh nghiệp CPH mỗi năm một tăng, nhiều người có thể hài lòng, nhưng thực chất, Nhà nước vẫn giữ 65% vốn tại doanh nghiệp đã chuyển đổi, trong khi nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư bên ngoài doanh nghiệp chỉ nắm giữ tương ứng 15,8% và 16,7% vốn điều lệ.
Một câu hỏi quá cũ, nhưng vẫn phải đặt ra là, vì sao tiến trình CPH không đạt được mục tiêu?
Tốc độ CPH có thể nói là quá chậm do chưa có sự vào cuộc quyết liệt của một số bộ, ngành, địa phương; chưa xác định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên còn lớn; hiệu quả sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao... Bên cạnh đó, nguyên nhân CPH, thoái vốn chậm là nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa công khai, minh bạch công bố thông tin theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP.
Và một câu hỏi nữa cũng không mới, đó là giải pháp đẩy mạnh CPH trong giai đoạn 2016 - 2020?
Trong giai đoạn 2016 - 2020, quá trình CPH tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đối tượng CPH được mở rộng tới các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn, vì thế đòi hỏi phải có cơ chế phù hợp nhằm xử lý dứt điểm tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức định giá sát với giá thị trường; bán cổ phần công khai, minh bạch; gắn CPH với thị trường chứng khoán và thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia mua cổ phần...
Theo tôi được biết, Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP và Nghị định 116/2015/NĐ-CP về CPH doanh nghiệp nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang khẩn trương hoàn thành Dự thảo quyết định thay thế Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng thu hẹp lĩnh vực nhà nước nắm giữ 100% vốn; thực hiện CPH toàn bộ số lượng doanh nghiệp còn lại theo các tỷ lệ khác nhau; đồng thời ban hành Danh sách doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, CPH giai đoạn 2016 - 2020 làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện.