Tại VBF vừa diễn ra ngày 3/12, nhóm công tác này đã đưa ra hai vấn đề liên quan đến tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp.
Thứ nhất, 4 lĩnh vực thể hiện tính minh bạch yếu nhất là hải quan, thuế, cấp giấy phép, đất đai.
Để hạn chế tình trạng này, đại diện nhóm công tác, bà Nguyễn Sương Đào kiến nghị, Chính phủ cần thực hiện một số giải pháp như: tiếp tục đơn giản hóa quy trình thủ tục hải quan theo hướng phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế; thống nhất và tinh giản các quy định và quy trình thủ tục về thuế hiện nay nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong hệ thống, hạn chế bớt quyền lực trao cho cán bộ thuế như hiện nay.
| ||
Đại diện nhóm công tác mới về minh bạch và quản trị doanh nghiệp |
Riêng đối với doanh nghiệp, nhóm công tác cho rằng, doanh nghiệp cần từ chối chi bất kỳ khoản phí bôi trơn nào mà các cán bộ hải quan hoặc bên môi giới yêu cầu; Báo cáo những trường hợp đòi tiền bôi trơn cho các nhà chức trách; và đề xuất thực hiện các buổi hội thảo qua đó quán triệt tư tưởng của các cán bộ hải quan tập sự về vấn đề tham nhũng.
Trả lời kiến nghị này của nhóm công tác, ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan, cho biết phía hải quan cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với nhóm về việc cung cấp thông tin và những giải pháp đang được tiến hành để cải thiện tình hình nhằm giúp doanh nghiệp có thể hoạt động tốt nhất.
Về mặt cấp phép, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng, cách tốt nhất để hạn chế tình trạng không minh bạch nêu trên là hạn chế sự tiếp xúc giữa đối tượng cấp phép và được cấp phép thông qua việc tin học hóa chuyên nghiệp hệ thống cấp phép.
Theo Thứ trưởng Trung, với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong nước đã hạn chế được tình trạng này, giảm thiểu tối đa phí nhũng nhiễu trong quá trình cấp phép. Tuy nhiên, với khối doanh nghiệp FDI, việc này được thực hiện chậm chễ hơn vì vướng những quy định trộn lẫn giữa giấy đăng ký kinh doanh và chứng nhận đầu tư trong Luật Đầu tư hiện hành, vốn không tương đồng với nhau về mặt pháp lý, nên nảy sinh nhiều vấn đề trong thực tế. Hiện phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai triệt để nhiều giải pháp xuống tận địa phương để giảm sự trồng chéo giữa các khâu thủ tục hành chính.
Thứ hai, về vấn đề quản trị doanh nghiệp. Nhóm công tác sử dụng năm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) làm cơ sở nền tảng để hình thành các đề xuất kiến nghị lên Chính phủ, các bộ ngành liên quan.
Năm nguyên tắc, gồm: Quyền của cổ đông; Đối xử công bằng với các cổ đông; Vai trò của những người có quyền lợi và lợi ích liên quan; Công bố thông tin và tính minh bạch; trách nhiệm của hội đồng quản trị.
Theo nhóm công tác, việc tuân thủ 5 nguyên tắc trên ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Điều đó được thể hiện rõ qua điểm số đánh giá công ty đại chúng Việt Nam theo năm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của OECD của Ngân hàng Phát triển Đông Nam Á và Diễn đàn Thị trường Vốn Đông Nam Á.
Cụ thể, điểm trung bình của các công ty đại chúng Việt Nam là 42,5%, thấp hơn một chút so với mức trung bình chung là 50%, nhưng lại kém xa Thái Lan (77%) (năm 2011) và Philippines (72%) (năm 2008). Và đáng thất vọng hơn là việc tuân thủ năm nguyên tắc này của các công ty đại chúng Việt Nam trong năm 2012 đã giảm so với năm 2011.
Dù một vài doanh nghiệp đang làm tốt nhưng điểm trung bình của Việt Nam vẫn chưa đạt mức 50 trong bất kỳ lĩnh vực nào. Trong khi đó, điểm trung bình của Philippines so với Việt Nam theo 5 nguyên tắc lần lượt là 56,0% (Việt Nam 41,3%), 71,4% (Việt Nam 43 %), 28 % (Việt Nam 26,9%), 54,3% (Việt Nam 37,2%) và 40,9% (Việt Nam 17,2%) tương ứng trong từng lĩnh vực, cho thấy Philippines vượt trội Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực.
“Điều đáng nói là Philippines là quốc gia mà Việt Nam nên có cùng vị thế và có thể sánh vai ngang bằng nhưng thực tế cho thấy Việt Nam vẫn còn kém xa”, nhóm công tác bình luận.
Báo cáo gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế với chủ đề “Tiến hành Kinh doanh năm 2013” đã so sánh và xếp hạng 185 quốc gia dựa trên quy định về quản trị doanh nghiệp và quy tắc kinh doanh mà các quốc gia đặt ra nhằm quản trị và vận hành các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo đó, ở yếu tố “bảo vệ nhà đầu tư” Việt Nam đang xếp vị trí 169/185 cho thấy Việt Nam cần khởi xướng quá trình cải cách mạnh cả ở cấp Chính phủ và cấp doanh nghiệp.
Theo nhóm công tác, lĩnh vực Bảo vệ Nhà Đầu tư là phép đo “ưu điểm của việc bảo vệ cổ đông thiểu số trước sự lạm dụng tài sản doanh nghiệp để tư lợi của các thành viên hội đồng quản trị”.
Tuy Luật Đầu Tư có quy định nghiêm ngặt việc bảo vệ nhà đầu tư song nếu không thi hành và các doanh nghiệp không nỗ lực ngăn chặn các thông lệ trái phép thì sẽ không có động lực tiến hành cải cách cũng như không thực hiện được bất kỳ thay đổi nào. Nếu không đảm bảo việc bảo vệ nhà đầu tư thì các khoản đầu tư sẽ dần cạn kiệt và nền kinh tế sẽ chỉ còn dựa vào các khoản vay ngân hàng, biến Việt Nam thành một thị trường trì trệ không có khả năng cạnh tranh.
Để hiện thực hóa những vấn đề cần cải thiện thì cả chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng nhau nỗ lực. Cải cách quy định pháp luật kết hợp với hành động chung được thực hiện bởi các doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng và ban giám đốc của họ là giải pháp duy nhất tạo ra những thay đổi mà Việt Nam đang tìm kiếm.
Nhóm công tác bình luận, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp của các công ty đại chúng Việt Nam có biểu hiện kém hơn nhiều so với các quốc gia Đông Nam Á láng giềng (nơi mà các cam kết về việc công bố thông tin và tính minh bạch đã tiến bộ hơn rất nhiều) và còn cách rất xa mức tiêu chuẩn có thể chấp nhận về phương diện công bố thông tin đòi hỏi phải đạt được trên các thị trường tài chính thế giới.
Việc tuân thủ thông lệ tốt trong phương diện công bố thông tin và tính minh bạch là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp muốn tìm kiếm đầu tư bên ngoài. Cổ đông và nhà đầu tư thường muốn đầu tư tiền vào doanh nghiệp mà họ dễ dàng tiếp cận thông tin mới nhất về cơ cấu, thành viên hội đồng quản trị và tình hình tài chính của doanh nghiệp hơn là đầu tư vào doanh nghiệp khó tiếp cận thông tin.
Theo nhóm công tác, những kiến nghị nêu trên không nhằm có lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. Bởi Việt Nam đã tham gia sân chơi hội nhập thì cần có những hành động quyết liệt hơn nhằm đảm bảo sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.
Hơn nữa, theo bà Nguyễn Sương Đào, tự các doanh nghiệp phải tự áp dụng những quy định của riêng mình về quản trị doanh nghiệp để cùng với Chính phủ dần hoàn thiện quy định pháp lý có liên quan.
Vũ Anh