Thời sự
Phân bổ vốn trung hạn để đầu tư đúng địa chỉ
Mạnh Bôn - 12/06/2013 07:29
Trước Phiên chất vấn các thành viên Chính phủ vào chiều nay (ngày 12/6), TS. Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (kiêm Trưởng Tiểu ban Đầu tư công của Ủy ban này) khẳng định, chắc chắn, công tác quản lý đầu tư công sẽ được tăng cường.
TIN LIÊN QUAN
TS. Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Thưa ông, đầu tư công kém hiệu quả là chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội lựa chọn khi chất vấn các thành viên Chính phủ. Vậy, theo ông, Chính phủ cần làm gì để khắc phục tình trạng này?

Như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã phát biểu trước Quốc hội tại Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 30/5, để nâng cao hiệu quả đầu tư công, việc đầu tiên phải bố trí vốn tập trung theo giai đoạn, thay vì bố trí vốn hàng năm như hiện nay.

Đầu tư công gồm: đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với nguồn vốn trái phiếu chính phủ, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua kế hoạch vốn trung hạn (từ năm 2012 đến 2015) để các bộ, ngành, địa phương chủ động cân đối vốn, quản lý và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Tới đây, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng được phân bổ theo kế hoạch trung hạn, như vốn trái phiếu chính phủ. Còn nguồn vốn đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được giao như vốn trung hạn 5 năm.

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn (4 - 5 năm) chỉ có thể khắc phục được việc đầu tư dàn trải, chứ chưa thể nâng cao hiệu quả đầu tư công như mong muốn?

Theo tôi được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Nghị định về đầu tư trung hạn. Đây là bước tiến quan trọng để tái cơ cấu đầu tư công, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc lập, phê duyệt, giao kế hoạch; triển khai thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn.

Với việc thực hiện phân bổ nguồn vốn đầu tư trung hạn, cộng với Nghị định về đầu tư trung hạn, chắc chắn công tác quản lý đầu tư công sẽ được tăng cường ở tất cả các khâu, từ quy hoạch, kế hoạch, xây dựng dự án, bố trí vốn đến triển khai thực hiện.

Thay vì việc đầu tư dàn trải dẫn đến lãng phí, nguồn vốn đầu tư được tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho dự án lớn quan trọng tầm cỡ quốc gia về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… và các chương trình mục tiêu quốc gia, phục vụ phát triển bền vững.

Các dự án, công trình được triển khai trong giai đoạn 2012 - 2015 có thể nâng cao được hiệu quả, thông qua cơ chế phân bổ vốn trung hạn. Còn những dự án, công trình đã bị giãn, dừng tiến độ thi công thì vẫn tiếp tục bị lãng phí, thưa ông?

Đúng là có một số công trình, dự án buộc phải đình hoãn, giãn tiến độ vì không bảo đảm các tiêu chí, như chưa thực sự cấp thiết, chưa mang lại hiệu quả ngay… Đây là việc làm cần thiết và cũng là “cực chẳng đã”, do khả năng cân đối vốn hạn chế. Trong điều kiện nguồn vốn quá hạn hẹp, nên chỉ bố trí vốn để thi công đến điểm dừng kỹ thuật, nhằm hạn chế lãng phí ở mức thấp nhất, nhưng nguy cơ hư hỏng, thất thoát khối lượng đã thực hiện cũng khó tránh khỏi, nhất là ở những nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở…

Phần lớn công trình, dự án phải tạm dừng đều mới khởi công, mới được bố trí 10 - 20% vốn so với tổng mức đầu tư. Cho nên, giữa phương án “mất nhiều” và “mất ít”, để đầu tư tập trung vốn, sớm đưa các công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong giai đoạn 2011 - 2015 vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với nền kinh tế, chúng ta buộc phải chọn phương án “mất ít”.

Có lẽ, đó cũng là chi phí của tái cơ cấu đầu tư công mà chúng ta phải trả giá.

Vậy tại sao không kêu gọi các nguồn vốn đầu tư khác, ngoài ngân sách nhà nước cho những dự án đang thi công dở dang để tránh lãng phí nguồn lực?

Trong khi tỷ trọng vốn đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm, để bảo đảm vốn đầu tư toàn xã hội bình quân trong 5 năm (2011 - 2015) đạt 40% GDP, thì phải có nhiều cơ chế thu hút nguồn vốn ngoài xã hội tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng.

Nhiều cơ chế, chính sách về mô hình hợp tác công - tư (PPP); hợp đồng đầu tư - khai thác - chuyển giao (BOT) đang được sửa đổi, sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, nên tình trạng “đầu tư công chèn lấn đầu tư tư nhân” chắc chắn sẽ được cải thiện.

Việc các nhà đầu tư tư nhân nhận 17 dự án BOT trong số 37 dự án toàn tuyến thuộc Dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A với tổng chiều dài 562 km, tổng mức đầu tư 42.502 tỷ đồng là một minh chứng rõ rệt cho xu hướng tiến bộ trong tái cơ cấu đầu tư.

Dự thảo Luật Đầu tư công đang trong quá trình soạn thảo sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật về đầu tư, trong đó có PPP để nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, chống thất thoát, lãng phí, giải trình minh bạch về hiệu quả với xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác