Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) phát biểu. |
Tiếp tục Kỳ họp thứ năm, chiều 16/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sáng cùng ngày đã có hơn 100 ý kiến tham gia thảo luận tại tổ về nội dung trên.
Cơ bản các đại biểu thống nhất với các chính sách Chính phủ trình. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi đối với các phương án Chính phủ trình, ông Phương khái quát.
Trong 8 chính sách được Chính phủ đề xuất thì chính sách thứ bảy, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được nhiều đại biểu quan tâm.
Nội dung này Chính phủ đề xuất hai phương án.
Phương án 1: Chưa thực hiện cơ chế thí điểm ngay trong giai đoạn 2024-2025, chỉ quy định nội dung chính sách mang tính chất định hướng cho tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2026-2030.
Phương án 2: Thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2024-2025. Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024-2025. Trong đó, phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trong kế hoạch, dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung cho dự án thành phần khác của các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.
Đề nghị chọn phương án 2, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hoá) cho rằng phương án này sẽ áp dụng ngay cơ chế đặc thù cho việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong năm 2024, năm 2025 trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Phương án 1 chưa áp dụng cho giai đoạn này mà áp dụng cho giai đoạn 2026-2030. Trong khi đó, nội dung chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030 dự kiến đến cuối năm 2025 Quốc hội mới bàn và quyết định chủ trương.
Hơn nữa, nghị quyết của Quốc hội đang bàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 để các địa phương chủ động điều chỉnh vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, điều chỉnh từ vốn sự nghiệp sang vốn đầu tư. Nếu thực hiện được như vậy thì việc giải ngân vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia mới có thể đảm bảo được mục tiêu đề ra.
Đề nghị tiếp theo của đại biểu Hải là tăng thêm số huyện để thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, bởi vì có nhiều vướng mắc trong cơ chế vận hành, quản lý vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia cần được tháo gỡ ngay cho cấp huyện. Hơn nữa, nếu mỗi địa phương chỉ chọn một huyện thực hiện thí điểm thì sẽ chưa đảm bảo tính đại diện, sẽ khó khăn cho việc xem xét, tổng kết, đánh giá thực hiện chính sách sau này.
Cũng chọn phương án 2, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) nói, phương án này sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các địa phương, đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và đảm bảo thống nhất về mục tiêu chung của tỉnh.
Đại biểu nêu thực tế, hiện nay thực hiện Nghị quyết số 38 ngày 24/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27 ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, đã giao chi tiết cơ cấu, nguồn vốn, mức vốn cho các đơn vị và các huyện, thị xã, thành phố.
Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của cán bộ cấp huyện của một số tỉnh trong việc nghiên cứu, phê duyệt cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hạn chế, chưa có sự bao quát tổng thể để đảm bảo mục tiêu chung của chương trình. Do vậy, việc quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tiễn được quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp là phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương, ông Luận nói thêm.
Đồng thời, ông Luận đề nghị trong nghị quyết cần quy định thêm là trên cơ sở kết quả phân cấp, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định phân cấp thêm cho các huyện khác nhưng không vượt quá 50% số đơn vị cấp huyện trên địa bàn.
“Tôi nhất trí với phương án 2 và cho rằng, nếu phương án 1 không thực hiện ngay cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong giai đoạn 2024-2025 thì việc thực hiện thí điểm không còn nhiều ý nghĩa. Việc thực hiện thí điểm ngay trong giai đoạn 2024-2025, sau khi tổng kết thực tiễn sẽ là tiền đề quan trọng để phục vụ cho giai đoạn 2026-2030 triển khai thực hiện được tốt hơn”, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) nêu quan điểm.
Theo đại biểu Thái thì các huyện nghèo có nhiều xã đặc biệt khó khăn, trên thực tế đang vướng mắc bởi các quy định của Trung ương, chưa triển khai, thực hiện các nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia mới là những huyện cần thiết để thực hiện chính sách đặc thù nhất.
Do vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ thực tiễn các huyện đang thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia có những khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết và căn cứ vào khả năng thực tiễn thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức để lựa chọn huyện thực hiện thí điểm. Khi đó, Hội đồng nhân dân sẽ không lúng túng trong việc lựa chọn huyện nào để thực hiện thí điểm.