Xây dựng nông thôn mới, bộ mặt xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum thay đổi tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Ảnh: Đức Thành/baokontum.com.vn |
Mục tiêu phấn đấu cả nước có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và còn dưới 600 xã đạt dưới 10 tiêu chí; phấn đấu có thêm ít nhất 15 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới so với năm 2019. Đồng thời, nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) và phấn đấu có 2.400 sản phẩm được chuẩn hóa theo Chương trình OCOP.
Một trong những nhiệm vụ của Chương trình là tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá hiện trạng xây dựng nông thôn mới của các xã, huyện mới được hình thành sau khi sáp nhập theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, chủ động rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền phê duyệt các Đề án xây dựng nông thôn mới chuyên đề; hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xây dựng Đề án chỉ đạo điểm "Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025" và Đề án thí điểm "Huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu điển hình về văn hóa, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ" trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Bên cạnh đó, tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các địa phương triển khai 11 nội dung thành phần của Chương trình để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, nhất là ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; tập trung hỗ trợ triển khai xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở các xã dưới 10 tiêu chí. Ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; tập trung triển khai, phát triển Chương trình OCOP theo hướng tập trung đi sâu vào chất lượng, theo đúng nguyên tắc và bản chất của Chương trình, tăng cường hơn nữa sự tham gia của cấp xã, cộng đồng người dân và doanh nghiệp trong thực hiện Chương trình OCOP, thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc sắc bản địa, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường...; trong đó, chú trọng vào một số nhiệm vụ trọng tâm như phấn đấu hoàn thành mục tiêu chuẩn hóa, công nhận sản phẩm OCOP năm 2020; phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP...
Ban Chỉ đạo cũng đặt ra nhiệm vụ tăng cường thực hiện Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; đẩy nhanh phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn gắn với phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc...