- “Hiệu ứng domino” vây nhiều dự án ở Quảng Nam - Bài 1: Bất thường tại Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn
- “Hiệu ứng domino” vây nhiều dự án ở Quảng Nam - Bài 2: Hàng chục dự án “cầm đèn chạy trước ô tô”
- “Hiệu ứng domino” vây nhiều dự án ở Quảng Nam - Bài 3: “Bãi rác” dự án khó dọn
- “Hiệu ứng domino” vây nhiều dự án ở Quảng Nam - Bài 4: Bài học từ “án điểm”
Dự án Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc sẽ được “dọn dẹp” trong thời gian tới |
Các dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc sau thời gian triển khai đã để lại một đô thị loang lổ, chắp vá. Nguyên nhân từ đâu, thưa ông?
Có một thời gian, việc lựa chọn nhà đầu tư vào Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc chưa ổn. Do đó, từ năm 2018, tỉnh Quảng Nam đã cho rà soát lại trình tự, thủ tục các dự án, ra quyết định phê duyệt lại quy hoạch 3 phân khu, để đảm bảo khớp nối hạ tầng dùng chung trong khu đô thị, khắc phục tình trạng cốt nền của các dự án nơi cao, nơi thấp.
Về quy hoạch, hạ tầng dùng chung như các con đường lớn, thì Nhà nước phải đầu tư để khớp nối các dự án, nhưng lại chưa đầu tư được. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư dự án rà soát, điều chỉnh lại dự án; đảm bảo phù hợp với cơ cấu sử dụng đất của từng dự án và quy hoạch chung các khu đô thị.
Loạt bài đã chỉ ra nhiều “vấn đề” tại các dự án ở địa phương. Từ bất thường tại Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn với nhiều dấu hỏi về năng lực thẩm định Báo cáo Đánh giá tác động môi trường; đến tình trạng hàng chục dự án “cầm đèn chạy trước
ô tô”, thi công ồ ạt trước khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hay những tranh chấp nảy lửa giữa chủ đầu tư và công ty môi giới mà các bên liên quan đều có sai phạm…
Các chủ đầu tư “phớt lờ” quy định của pháp luật, trong khi đó, công tác quản lý nhà nước lại buông lỏng. Kết quả là, nhiều khu đô thị tại tỉnh Quảng Nam rơi vào tình trạng loang lổ như tấm “da beo”, tạo nên những “bãi rác” dự án làm xấu đô thị.
Về công tác bồi thường, vào năm 2018, chúng tôi nhận thấy, không dễ vận động nhân dân đồng ý giao đất, nhận tiền bồi thường. Cho nên, khi nhân dân đồng ý nhận tiền, là các chủ đầu tư cho san ủi ngay. Việc này tôi khẳng định là sai. Trước hết, là sai từ phía chủ đầu tư, sau nữa là sai về công tác quản lý nhà nước tại địa phương. Vấn đề này sau khi thanh tra các dự án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã họp kiểm điểm trách nhiệm cá nhân. Nhưng rồi, tỉnh cũng phải gỡ cho doanh nghiệp. Vừa rồi họp, tôi đã yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn rà soát, kiểm tra lại tất cả và phải niêm yết, công khai, minh bạch từng dự án.
Sau khi có bản án của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng vào tháng 5/2020 về vụ tranh chấp hợp đồng môi giới đất nền giữa Công ty Bách Đạt An (chủ đầu tư) và Công ty Hoàng Nhất Nam (môi giới), người mua đất vẫn mỏi mòn chờ thi hành án. Vậy đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã tiến hành giải quyết như thế nào, để sớm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, thưa ông?
Đây là quan hệ dân sự. Việc này, tỉnh đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ, tạo điều kiện hết sức để Công ty Bách Đạt An thi công. Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ tài chính và không hoàn thành kết cấu hạ tầng, thì không thể cấp được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đó là điều kiện cần và đủ.
Tôi đã yêu cầu Công ty Bách Đạt An xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các dự án, bố trí nguồn lực, đề xuất vướng mắc cần phải tháo gỡ.
UBND tỉnh Quảng Nam sẽ chỉ đạo thành lập một tổ công tác do Sở Xây dựng chủ trì, cùng với UBND thị xã Điện Bàn để tháo gỡ. Tôi yêu cầu trước ngày 15/11/2021, Công ty Bách Đạt An phải báo cáo từng hạng mục còn tồn tại, điểm nào còn vướng mắc, nội dung nào nhà đầu tư phải thực hiện, nội dung nào đề nghị chính quyền hỗ trợ…
Như tôi đã nói, chỉ khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt, thì mới có quyết định giao đất, rồi định giá đất và cấp giấy phép xây dựng. Về tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân có quyền lợi tại dự án, hiện nay, địa phương tiến hành còn chậm, nhưng chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. |
Từ việc đầu tư thiếu bài bản, thiếu đồng bộ theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh đã phải xác định lại giá đất của nhiều dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Ông có thể cho biết hướng xử lý vấn đề này trong thời gian tới?
Theo quy định, sau khi có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thì mới có quyết định giao đất, làm giá đất, rồi xin cấp giấy phép xây dựng… Lần này, tỉnh giao đất đến đâu là làm giá đất đến đó. Cụ thể, 5 ngày sau khi có quyết định giao đất, chúng tôi yêu cầu phải làm giá đất. Doanh nghiệp làm dự án cũng căn cứ mức giá đất mà tỉnh đưa ra để cân nhắc cho phù hợp.
Có mấy việc phải làm lại giá đất tại các dự án ở Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.
Thứ nhất, trước đây, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, thì nay phải làm lại giá.
Thứ hai, khi điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến thay đổi cơ cấu sử dụng đất, hệ số sử dụng đất, thì làm lại giá.
Cuối cùng, là dự án nào giao đất nhiều lần, thì mỗi lần giao đất cũng phải làm giá cho phù hợp. Quan điểm của chúng tôi là giá đất phải được tính sòng phẳng, dứt khoát.
Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu rà soát lại toàn bộ hơn 70 dự án. Các nội dung rà soát bao gồm: chủ trương đầu tư có đúng không, quy hoạch điều chỉnh bao nhiêu lần, đã làm giá đất đến đâu, chủ đầu tư nộp nghĩa vụ tài chính hay chưa và tiến độ thực hiện dự án như thế nào, từ đó tập trung “gỡ” các vướng mắc.
Số lượng dự án điều chỉnh quy hoạch khá lớn, nên khối lượng công việc sắp tới mà tỉnh tập trung tháo gỡ cũng rất nhiều.
Thời gian qua, không ít dự án tại Quảng Nam dù chưa có Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nhưng chủ đầu tư đã được phê duyệt dự án hoặc tiến hành thi công dự án. Một số dự án đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt ĐTM, như Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn (huyện Phú Ninh), nhưng khi ứng dụng vào thực tế lại phát sinh nhiều vấn đề như ngập úng cục bộ. UBND tỉnh nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Đây là việc chúng tôi đang đánh giá lại, mà yêu cầu đặt ra là phải “nâng chất” các ĐTM. Tôi cho rằng, không thể đánh giá ĐTM theo từng dự án, mà cần phải đánh giá một cách tổng thể cả khu vực, lưu vực.
Về việc đánh giá các ĐTM vừa qua, theo tôi, có báo cáo chưa được đánh giá đầy đủ. Riêng với Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn, khi lật bản ĐTM ra xem, thì thấy rất bài bản. Nhưng đây là vùng trũng thấp, nên khi thẩm định và phê duyệt, các cơ quan liên quan đã không hình dung được hết lượng nước đổ về bao nhiêu, các thông số kỹ thuật được tính toán chưa thực sự sát với thực tế, nên khi chủ đầu tư đổ một lượng đất xuống là ngập úng.
Đối với ĐTM ở dự án này, chúng tôi nhận thấy, cần phải rà soát kỹ lại cho đồng bộ, mở thêm các trục thoát dọc từ Tây sang Đông để nước thoát xuống các cống và mở thêm trục ngang theo hướng Bắc - Nam để nước thoát ra suối. Chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan liên quan phải hoàn thiện lại ĐTM đối với dự án này.
Còn các dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, nguyên tắc phải có ĐTM, nhưng một số dự án trước đây làm không đảm bảo. ĐTM phải cho nước mặt đi riêng, nước thải đi riêng, chứ không thể cho đi chung. Những việc này còn tồn tại này, tỉnh đang tập trung tháo gỡ.
Thưa ông, qua hàng loạt vấn đề tồn tại ở các dự án, UBND tỉnh Quảng Nam rút ra bài học gì, để công tác quản lý nhà nước trong thời gian tới đi vào khung khổ?
Trên thực tế, từ năm 2018, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng đã dừng triển khai các dự án một giai đoạn để chấn chỉnh. Vừa rồi, tôi cũng đã ký quyết định thu hồi 4 dự án khu đô thị do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư là Bách Đạt 3, Bách Đạt 4, Bách Đạt 5 và Bách Đạt 6 tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.
Cái được từ các dự án là rất lớn, nhưng cũng để lại không ít tồn tại, hệ lụy. Những bất ổn trong quá trình cấp phép, thực hiện dự án, dẫn đến người dân khiếu kiện, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. UBND tỉnh đã nhìn nhận và đang tập trung xử lý, chấn chỉnh, để từ đây trở về sau, những việc đó không còn lặp lại nữa.