Báo cáo thị trường bất động sản mới nhất của Savills cho thấy, tại TP.HCM, dòng sản phẩm nhà phố, biệt thự hoạt động yếu nhất kể từ năm 2019 đến nay, với lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ liên tiếp sụt giảm.
Cụ thể, trong năm 2023, nguồn cung sơ cấp giảm 40% theo năm, xuống 993 căn, thấp nhất trong 5 năm gần đây, chưa kể chủ yếu là hàng tồn kho giá cao, chứ không có dự án mới. Tương tự, lượng bán và tỷ lệ hấp thụ thấp nhất trong 5 năm qua, giảm xuống còn 29% và chỉ đạt 286 căn, giảm 73% theo năm.
Lý giải tình trạng này, bà Giang Huỳnh, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và S22M (Savills Việt Nam) cho hay, nguyên nhân đến từ quá trình huy động nguồn vốn bị ảnh hưởng bởi việc thanh tra phát hành trái phiếu bất động sản. Ngoài ra, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế nước ta, khiến thu nhập, dòng tiền của doanh nghiệp và người dân bị tắc nghẽn.
Mặt khác, sự khan hiếm quỹ đất tại khu vực nội thành TP.HCM đã thúc đẩy giá nhà tăng cao, dẫn đến giảm khả năng chi trả, khiến tốc độ hấp thụ chậm đi đáng kể.
“Thực tế, mức sụt giảm này phản ánh sự phát triển đúng chu kỳ của phân khúc nhà thấp tầng, dần dần sẽ ngày càng ít nguồn cung tại khu vực nội thành. Quan trọng hơn, theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2030, TP.HCM sẽ tập trung phát triển phân khúc nhà cao tầng để tối ưu quỹ đất, cũng như đáp ứng nhu cầu nhà ở tại thành phố”, bà Giang nói.
Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam cho biết thêm, trong năm 2024, nguồn cung mới dự kiến có 1.400 căn gia nhập thị trường, trong đó sản phẩm giá 20-30 tỷ đồng chiếm khoảng 65%. Giá bán tiếp tục đắt đỏ là thách thức lớn với tốc độ hấp thụ.
Giá tại TP.HCM ngày càng đắt, nên các tỉnh vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương sẽ có lợi thế lớn, nhất là khi hạ tầng được nâng cấp và phát triển đồng bộ, thời gian di chuyển được rút ngắn. Nhờ quỹ đất còn lớn, nên các sản phẩm bất động sản vùng ven có giá cả hợp lý, sản phẩm cũng đa dạng hơn.
Trong những năm qua, nhiều chủ đầu tư đã thâu tóm quỹ đất tại thị trường vùng ven để triển khai các dự án quy mô lớn, giúp đồng bộ hạ tầng, đa dạng sản phẩm với nhiều diện tích khác nhau, giá cả được đánh giá là khá hợp lý. Đơn cử, tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), biệt thự, nhà phố thuộc một dự án đại đô thị bên sông ghi nhận giá bán 50 - 60 triệu đồng/m2. Một dự án đô thị khác, tọa lạc tại khu vực Hương Lộ 2 (TP. Biên Hòa) có giá biệt thự, nhà phố rao bán từ 55 đến 75 triệu đồng/m2…
Nói về đà giảm giá biệt thự, nhà liền thổ, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển DKRA Group cho rằng, nhiều nhà đầu tư vay ngân hàng với tỷ lệ lớn, không thể cầm cự thêm, đã chấp nhận thực tế bất động sản khó tăng trưởng trở lại trong ngắn hạn. Trong trường hợp tài chính không cho phép, thì lựa chọn giảm giá sâu để cắt lỗ là hướng đi tốt nhất với nhiều người.
“Nhà đầu tư muốn hưởng lợi khi thị trường phục hồi, họ phải xác định chờ hàng năm trời. Sản phẩm giá trị càng cao thì việc bán ra càng khó. Trường hợp tích cực nhất, thì đà giảm cũng duy trì đến nửa cuối năm 2024 hoặc có thể kéo dài hết năm”, ông Thắng nhận định.