Đây là yêu cầu được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng (Ban Chỉ đạo) diễn ra ngày 6/12.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, điều hòa phối hợp và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ về đầu tư, xây dựng các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà họp Ban chỉ đạo các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng lần thứ nhất |
"Chúng ta cần xây dựng tiêu chí xác định chương trình, công trình, dự án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, giải quyết; lập danh mục công trình, dự án kèm theo tiến độ, vướng mắc, kế hoạch để theo dõi, đôn đốc, trong đó phân loại nhóm đang triển khai theo tiến độ, kế hoạch, nhóm gặp khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ dứt điểm", Phó thủ tướng nói.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã báo cáo về tình hình triển khai một số chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, giải quyết, nhất là những khó khăn, vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ.
Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư… nhấn mạnh sự cần thiết phải có tiêu chí xác định những công trình, dự án thực sự là trọng điểm, có tầm quan trọng bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, toàn diện của hệ thống năng lượng quốc gia.
"Danh mục công trình, dự án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, kiểm tra, đôn đốc nên có tính mở, có vào, có ra, để kịp thời giám sát, chỉ đạo, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh", Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An kiến nghị.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị không phân biệt công trình, dự án theo quy mô, do Nhà nước hay tư nhân đầu tư, mà căn cứ vào tầm quan trọng đối với hệ thống năng lượng quốc gia.
Nhấn mạnh lĩnh vực năng lượng là "huyết mạch", là hạ tầng quan trọng, cơ bản của nền kinh tế, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện quy chế hoạt động, thành viên Ban Chỉ đạo theo hướng rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm; nghiên cứu, tham mưu giải pháp triển khai hiệu quả các quy hoạch, chiến lược, chương trình về năng lượng. "Các bộ, ngành, địa phương phải cử đơn vị theo dõi, thực hiện các chỉ đạo, quyết định của Ban Chỉ đạo một cách ổn định, lâu dài", Phó thủ tướng lưu ý.
Theo Phó thủ tướng, các dự án, công trình, chương trình năng lượng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, giám sát, đôn đốc, kiểm tra, phải được đưa vào quy hoạch, chiến lược, kế hoạch về năng lượng quốc gia có lộ trình, tiến độ, kế hoạch triển khai cụ thể; không phân biệt công hay tư; bao gồm các dự án đang đầu tư, chuẩn bị đầu tư, mở rộng phạm vi đầu tư…
Các dự án này có thể phân thành luồng xanh (không có khó khăn, vướng mắc, đúng tiến độ); luồng vàng (có một số khó khăn, vướng mắc sau khi tháo gỡ sẽ chuyển sang luồng xanh; luồng đỏ là các dự án cần tập trung chỉ đạo, có biện pháp mạnh, quyết liệt.
"Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư có thể đề xuất lên Ban Chỉ đạo những dự án, công trình không có trong danh mục, hoặc những công trình, dự án thí điểm, như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời áp mái… đang cần sự phối hợp liên ngành, liên địa phương, giữa Trung ương và địa phương hoặc xây dựng cơ chế, chính sách mới", Phó thủ tướng gợi mở và giao Bộ Công Thương thiết lập ngay cơ sở dữ liệu về danh mục các công trình, dự án, chương trình trọng điểm (kế hoạch thực hiện, tiến độ triển khai, khó khăn đang gặp phải) để thành viên Ban Chỉ đạo có thể theo dõi, cập nhật liên tục.
Đối với Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, Phó thủ tướng cho rằng, cần tiếp cận khác với cách theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công trình, dự án. Theo đó, từng bộ, ngành phải theo dõi việc xây dựng cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để triển khai chương trình, lượng hóa được việc thực hiện các mục tiêu đặt ra.