Đầu tư
Phấp phỏng những “quả bóng nợ” BOT giao thông
Bảo Như - 27/07/2021 13:36
Doanh thu thu phí liên tục thiếu trước, hụt sau, thậm chí không đủ trả nợ gốc và lãi vay đến hạn, nhiều dự án BOT giao thông đang trở thành gánh nặng.
Do nhiều phương tiện “né” Trạm thu phí BOT Quốc lộ 38, nên Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 chỉ đạt khoảng 40% phương án tài chính ban đầu.

Chỉ mành treo chuông

Tình trạng nguy cấp về tài chính tại Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38, đoạn nối Quốc lộ 1 và Quốc lộ 5 qua địa phận Bắc Ninh và Hải Dương có thể thấy rõ trong Báo cáo số 3019/CV-SHB về tình hình cấp tín dụng cho doanh nghiệp dự án (Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 38) và biện pháp xử lý nợ vừa được Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Việc cho phép tăng giá sử dụng đường bộ đang rất cấp bách, nhằm xả bớt áp lực từ các “quả bóng nợ” BOT giao thông.

- Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư đường bộ Việt Nam

SHB là đơn vị tài trợ tín dụng duy nhất cho Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 với khoản vay đã được giải ngân thực tế là 1.099 tỷ đồng. Khoản vay này có thời gian vay tối đa 21 năm tính từ ngày giải ngân khối lượng đầu tiên (13/3/2015), nhưng không được vượt quá tổng thời gian thi công và thời gian được phép thu phí của bên vay.

Theo Hợp đồng tín dụng được ký giữa Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 38 và SHB (năm 2015), để khoản vay được giải ngân, bên vay phải thế chấp quyền thu phí hình thành trong tương lai thu được từ Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 và toàn bộ quyền tài sản hiện tại, hình thành trong tương lai liên quan đến Dự án.

Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng của nhà đầu tư và ngân hàng cho vay về khả năng sinh lời, Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 đã sớm trở thành “trái đắng” ngay trong những ngày đầu triển khai thu phí hoàn vốn (từ ngày 10/4/20218).

Do một lượng lớn phương tiện liên tục né Trạm thu phí BOT Quốc lộ 38 bằng cách đi vào Tỉnh lộ 276 qua đoạn đê sông Đuống thuộc địa phận các thôn Chi Trung, Chi Hồ (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) mà không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả của các cơ quan chức năng, doanh thu thu phí của dự án này liên tục lao dốc và hiện chỉ đạt xấp xỉ 40% phương án tài chính ban đầu.

Một điều đáng lo ngại nữa là, khi cầu Phật Tích và tuyến đường kết nối giữa Tỉnh lộ 217 và Quốc lộ 17 (chạy song song với đường BOT Quốc lộ 38) được UBND tỉnh Bắc Ninh đưa vào khai thác (dự kiến tháng 12/2021), khoản doanh thu thu phí mong manh tại Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 có thể còn tụt thê thảm hơn nữa.

Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư không được thực hiện tăng phí như cơ quan nhà nước có thẩm quyền cam kết và những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cũng khiến doanh nghiệp Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 không thể thanh toán đúng hạn các khoản nợ gốc và lãi vay.

Theo ông Nguyễn Huy Tài, Phó tổng giám đốc SHB, tính đến tháng 4/2021, nợ lãi và phạt quá hạn của Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 38 đã lên tới 287 tỷ đồng (tương đương 26,1% nợ gốc) và vẫn tiếp tục gia tăng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lưu Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 38 cho biết, trong suốt thời gian qua, SHB và doanh nghiệp dự án đã có rất nhiều buổi làm việc cũng như gửi văn bản kiến nghị tới Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước đề nghị hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhưng đến thời điểm hiện tại, các vấn đề nêu trên vẫn chưa được tháo gỡ.

Hiện khoản vay của Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 38 đã bị chuyển nợ sang nhóm 5 (nhóm nợ xấu). Do không còn tiếp cận được khoản vay, doanh nghiệp dự án đã không còn khả năng thanh toán đối với các khoản nợ thi công cũng như trả các khoản bồi thường còn lại cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Về phía ngân hàng, việc khoản tín dụng tại Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 bị nhảy sang nhóm nợ xấu đã khiến SHB phải trích lập dự phòng 100% giá trị khoản vay, gây ảnh hưởng nặng nề đến kết quả kinh doanh và năng lực tài chính của Ngân hàng.

Tại Báo cáo số 3019, SHB cho biết, ngân hàng này sẽ tổ chức thu giữ các tài sản đảm bảo, trong đó có quyền thu phí của Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 và tổ chức bán đấu giá quyền thu phí này để thu hồi công nợ. Theo Lãnh đạo SHB, các nhà đầu tư tại Dự án cũng đã đồng tình về chủ trương bàn giao toàn bộ tài sản thế chấp sau khi được sự chấp thuận của Bộ GTVT.

“Chúng tôi không còn đường nào khác, phải chấp nhận mất toàn bộ phần vốn chủ sở hữu trị giá hàng trăm tỷ đồng cũng như công sức để theo đuổi, hình thành Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38. Đây thực sự là một kết cục quá cay đắng”, ông Lãm bày tỏ.

Xả gấp áp lực nợ

Cần phải nói thêm rằng, ngay cả khi được Bộ GTVT cho phép bàn giao toàn bộ tài sản thế chấp, thì khả năng SHB thu hồi được toàn bộ công nợ từ việc bán đấu giá quyền thu phí tại Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 là rất thấp, nhất là khi khả năng cải thiện doanh thu thu phí hoàn vốn tại tuyến đường này trong thời gian tới không cao.

Nói cách khác, nguy cơ chuyển từ nợ xấu sang không thể thu hồi một phần không nhỏ vốn cho vay đầu tư Dự án BOT Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 đối với nhà băng này là không thể loại trừ.

Không chỉ SHB gặp khó, mà nhiều nhà băng lớn trong nước cũng đang đối diện với tình trạng nhiều khoản vay cho các dự án BOT giao thông đã và đang phải chuyển nhóm nợ.

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây cũng đã phải gửi văn bản tới Bộ GTVT để đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với Dự án BOT Đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới dành riêng cho giao thông đường bộ qua sông Lô, trên Quốc lộ 2 (Dự án BOT Cầu Việt Trì mới).

Cụ thể, BIDV đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng phương án hỗ trợ đối với nhà đầu tư dự án đảm bảo nguồn thu hoàn vốn, cũng như khả năng trả nợ vay ngân hàng; hoặc bố trí nguồn vốn ngân sách hỗ trợ một phần đối với Dự án nhằm đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư cũng như trả nợ vay ngân hàng; hoặc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có ý kiến và báo cáo Thủ tướng cho phép các ngân hàng được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ đối với Dự án BOT Cầu Việt Trì mới và các dự án BOT khác đang gặp khó khăn do yếu tố khách quan.

Hiện dư nợ của BIDV tại Dự án BOT Cầu Việt Trì mới đã lên tới 1.049 tỷ đồng có khả năng phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.

Ngoài ra, một số công trình BOT đường bộ khác xây xong đã lâu, nhưng vẫn chưa được thu phí như: BOT Cai Lậy, BOT tuyến tránh TP. Thanh Hóa… thực sự là những “di họa” có thể ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của BIDV.

BIDV cho rằng, đang thiếu cơ chế, biện pháp bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư BOT khi doanh thu thu phí không đảm bảo; đặc biệt là việc tuân thủ cam kết điều chỉnh mức thu phí theo lộ trình đã định từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Được biết, theo các hợp đồng BOT đã ký, đến năm 2019, có 37 dự án và giai đoạn đến năm 2021, có thêm 12 dự án BOT khác do Bộ GTVT đóng vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tăng giá theo lộ trình. Các doanh nghiệp BOT đã liên tục kiến nghị thực hiện tăng giá, bởi nếu không, sẽ không có đủ nguồn trả nợ ngân hàng, thiếu vốn để thực hiện bảo trì. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc điều chỉnh giá vẫn chưa được triển khai, do đang phải ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phạt, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại Báo cáo số 09/BC-UBKT15 về thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội một lần nữa phải lưu ý lưu ý nợ xấu BOT.

Theo Ủy ban Kinh tế, mặc dù nợ xấu tín dụng của các dự án BOT, BT giao thông là 2.116 tỷ đồng, ở mức 1,95%, giảm so với cuối năm 2020 (ở mức 4,6%), nhưng chưa phản ánh chất lượng nợ, do nợ nhóm 2 là 5.912 tỷ đồng, chiếm 5,48% và hiện có 54 dự án có doanh thu từ phí không đạt như phương án tài chính. Các ngân hàng đã phải cơ cấu lại nợ đối với nhiều dự án, khả năng tiếp tục phát sinh nợ xấu trong thời gian tới là hiện hữu.

Trước đó, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến ngày 30/6/2020, có 56/116 dự án BOT đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính tại hợp đồng dự án, với dư nợ 71.970 tỷ đồng; 30/116 dự án có khả năng phải cơ cấu nợ chuyển nhóm nợ xấu với dư nợ 28.166 tỷ đồng. Đáng lo ngại là tỷ lệ nợ xấu tăng cao, chiếm 5,7% dư nợ.

Một thực tế cay đắng là, dù dư nợ cho lĩnh vực BOT giao thông so với tổng dư nợ của nền kinh tế chỉ khoảng 1%, rất thấp so với lĩnh vực năng lượng, nhưng các ngân hàng đều xếp các dự án BOT giao thông vào nhóm có độ rủi ro cao và thận trọng khi thu xếp tín dụng, kể cả với các dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, được cập nhật nhiều cơ chế mới của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh giá vé đối với 38/40 dự án BOT trong năm 2021 (bao gồm cả các dự án đã đến kỳ điều chỉnh giá vé từ năm 2019, 2020) theo quy định hợp đồng dự án. Tổng cục Đường bộ được giao phối hợp với Viện Chiến lược GTVT có báo cáo đánh giá tác động do việc điều chỉnh giá vé nói trên và xác định thời điểm tăng giá vé cho từng trạm BOT.

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư đường bộ Việt Nam cho rằng, việc cho phép tăng giá sử dụng đường bộ đang rất cấp bách, nhằm xả bớt áp lực từ các “quả bóng nợ” BOT giao thông.

“Ngoài việc cứu các nhà đầu tư, cứu các ngân hàng, việc xử lý dứt điểm tồn tại của các dự án BOT giao thông được triển khai trong giai đoạn 2012 - 2018 còn giúp lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước để họ tiếp tục bỏ vốn vào các dự án đường cao tốc trong thời gian tới”, ông Trần Chủng nhận định.

Tin liên quan
Tin khác