Tàu chiến Vladivostok, một trong hai tàu chiến lớp Mistral mà Paris đóng cho Moscow, neo tại nhà máy đóng tàu STX France ở Saint-Nazaire, miền tây Pháp, hồi năm ngoái. Ảnh: AFP |
"Có một lệnh cấm cho bất kỳ thương vụ vũ khí nào với Trung Quốc và chúng tôi sẽ tôn trọng (lệnh cấm này)", VOA dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp của Mỹ Ashton Carter tại Lầu Năm Góc hôm 6/7.
Pháp là một trong những thành viên của Liên minh châu Âu áp đặt lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc kể từ năm 1989.
Hồi tháng 5, Pháp từng cử một tàu lưỡng cư lớp Mistral đến Trung Quốc để tham gia diễn tập hàng hải chung với quân đội nước này. Động thái trên làm dấy lên nghi ngờ rằng Pháp đang cân nhắc bán hai chiến hạm đổ bộ cùng lớp đóng cho Nga.
Mỹ được cho là lo ngại về khả năng Pháp bán tàu Mistral cho Trung Quốc. Tuy nhiên, văn phòng báo chí Lầu Năm Góc cho hay vấn đề này không được đề cập trong cuộc hội đàm giữa ông Cater và ông Drian.
Trong cuộc họp báo trên, ông Drian cũng khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ muốn mua lại hai tàu Mistral của Pháp.
Pháp đã đình chỉ vô thời hạn việc bàn giao chiếc đầu tiên trong hai tàu mà Nga đặt hàng, do mâu thuẫn quanh vấn đề Ukraine. Ông Drian mô tả việc hủy hợp đồng với Nga là "dũng cảm" và "một lựa chọn chiến lược".
Tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral dài 180 m, trọng tải 22.000 tấn, có thể chở 16 trực thăng, hàng chục xe bọc thép và phương tiện quân sự, cùng tối đa 700 binh sĩ. Đây là tàu chiến hiện đại nhất thuộc loại này của hải quân Pháp.
"Bây giờ không còn ai nói về Mistral nhưng nó vẫn tiêu tốn của chúng tôi 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) trong bối cảnh nền kinh tế Pháp đang gặp khó khăn", ông Drian nói.
Thỏa thuận cuối cùng về việc Pháp bồi thường cho Nga để chấm dứt hợp đồng tàu Mistral vẫn chưa được đưa ra. Moscow cho hay khoản bồi thường ước tính 1,3 tỷ USD.