Vingroup vẫn là cổ đông lớn nhất
Hôm qua (11/12) là hạn cuối mà các cổ đông VEFAC phải gửi phiếu lấy ý kiến về Công ty để chốt phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ thêm gần 5.998 tỷ đồng. Với cơ cấu cổ đông mà Vingroup nắm giữ đến 83%, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sở hữu 10%, 7% còn lại thuộc về cổ đông khác, thì việc thông qua đợt phát hành này gần như là điều đương nhiên. Vingroup cũng sẽ là cổ đông mua lại đa phần số cổ phiếu phát hành thêm, tương đương giá trị khoảng 4.980 tỷ đồng.
Theo phương án tăng vốn của VEFAC, tỷ lệ phân bổ quyền là 1:3,6, tương đương cổ đông sở hữu một cổ phiếu được quyền mua 3,6 cổ phiếu mới. Cổ đông sở hữu quyền mua có thể chuyển nhượng cho bên khác, nhưng bên nhận chuyển nhượng sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, thời gian dự kiến thực hiện chào bán sẽ từ quý IV/2018 đến quý I/2019. Nếu đợt phát hành này thành công, vốn điều lệ của VEFAC sẽ tăng từ 1.666 tỷ đồng lên 7.664 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9, nợ của VEFAC chỉ vỏn vẹn 10,95 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản ngắn hạn như phải trả người bán, người mua trả trước và các khoản thuế phải nộp.
Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/9 của VEFAC được ghi nhận là gần 1.810 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận lũy kế chưa phân phối là 138,6 tỷ đồng.
Trong tài liệu lấy ý kiến cổ đông, bà Lý Hoa Liên, Chủ tịch VEFAC cho biết, ngày 14/8, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm Hội trợ triển lãm quốc gia mới và các dự án thành phần. Trước thông tin tích cực này, VEFAC không chỉ tiến hành tăng vốn, mà còn có nhiều động thái chuẩn bị rõ ràng.
VEFAC cho biết, ngoài việc triển khai các thủ tục đầu tư để sớm thực hiện Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới, VEFAC cũng đẩy nhanh triển khai 2 dự án thành phần tạo nguồn vốn là Tổ hợp Trung tâm dịch vụ thương mại và nhà ở tại 148 - Giảng Võ cùng Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long tại Mễ Trì.
“Trong giai đoạn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hoàn thiện nội dung, quy mô đầu tư của Dự án Trung tâm Hội trợ triển lãm quốc gia mới, Công ty cần phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu về nguồn vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính triển khai các dự án thành phần nêu trên theo quy định”, VEFAC lý giải.
Phối cảnh Dự án Trung tâm Hội trợ triển lãm quốc gia mới do VEFAC làm chủ đầu tư |
Phát hành giá thấp, thị giá vẫn “lặng lẽ” tăng
Trong phương án pháp hành cổ phiếu, Hội đồng Quản trị VEFAC đề xuất mức giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu dựa trên cân đối giữa giá trị sổ sách tại thời điểm 30/6/2018 là 10.864 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, giá giao dịch bình quân 30 phiên liên tiếp gần nhất mà Công ty thống kê là 59.831 đồng/cổ phiếu. Cùng với đó, giá giao dịch cổ phiếu VEF từ khi công bố việc phát hành cổ phiếu tăng vốn tăng từ 70.000 đồng/cổ phiếu (cuối tháng 11) lên xấp xỉ 100.000 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 10/12).
Theo báo cáo tài chính mới nhất, VEFAC báo lãi sau thuế hơn 24 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018, chủ yếu nhờ nguồn thu tài chính. Tổng tài sản tính đến ngày 30/9 của VEFAC là 1.821 tỷ đồng, trong đó riêng tiền và tương đương tiền là 984 tỷ đồng (chiếm 54%). Đáng chú ý, VEFAC có đến 970 tỷ đồng nhàn rỗi gửi kỳ hạn 3 tháng tại VietinBank với lãi suất 5%/năm.
Theo báo cáo của VEFAC tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, tổng vốn đầu tư dự kiến cần cho 3 dự án trên lên tới 58.400 tỷ đồng, lợi ích của VEFAC tại các dự án này đều là 100%. Do đó, với việc phát hành cổ phiếu cho chính các cổ đông hiện hữu, mà chủ yếu là Vingroup, với giá phát hành thấp hơn nhiều so với thị giá, có thể đánh giá rằng, đây là đợt góp vốn thực chất, nhằm đáp ứng các yêu cầu năng lực tài chính, phục vụ đầu tư và là tài sản đảm bảo để vay vốn triển khai các dự án nói trên.