Ngân hàng - Bảo hiểm
Phát hành thẻ tín dụng: Lợi nhuận cao, rủi ro lớn
Vân Linh - 25/11/2014 14:12
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện có hơn 74 triệu thẻ ngân hàng các loại được phát hành.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Nhân viên ngân hàng quay cuồng với chỉ tiêu thẻ
Thanh toán bằng thẻ dễ mất tiền oan
Ngân hàng cảnh báo mất thông tin thẻ tín dụng với Facebook
Công ty tài chính được phát hành thẻ tín dụng
   
  Việc bảo mật thông tin của ngân hàng cho chủ thẻ tín dụng vẫn khá lỏng lẻo  

Không thể phủ nhận những tiện ích mà thẻ tín dụng mang lại, nhưng việc lỏng lẻo trong bảo mật thông tin thẻ đã dẫn đến không ít rủi ro cho khách hàng cũng như với các ngân hàng.

Ngân hàng đua nhau phát hành thẻ

Thẻ được xem là công cụ hữu hiệu để các ngân hàng tiếp cận và cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng cá nhân, từ đó, có thể nhanh chóng mở rộng thị phần bán lẻ. Vì thế, với chiến lược đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng bán lẻ, hàng trăm loại thẻ thương hiệu khác nhau đã được tung ra thị trường.

Theo thông tin từ NHNN, đến ngày 31/8/2014, lượng thẻ do 52 TCTD phát hành đạt con số trên 74 triệu, với khoảng 490 thương hiệu, hầu hết là thẻ ghi nợ (chiếm gần 92%), còn lại là thẻ tín dụng (chiếm gần 4%) và thẻ trả trước (trên 4%). Cơ quan này cũng cho biết, hiện cả nước có trên 16.000 máy ATM và khoảng 153.200 thiết bị chấp nhận thẻ (P.O.S) được lắp đặt trên toàn quốc. Nếu phân theo phạm vi hoạt động, số lượng thẻ nội địa đạt gần 66,5 triệu (chiếm tỷ lệ gần 90%), thẻ quốc tế đạt trên 7,5 triệu thẻ (chiếm trên 10%).

Việc đầu tư vào hệ thống thẻ khá tốn kém, riêng mức phí thường niên ngân hàng phải trả cho MasterCard hàng năm trong quá trình liên kết phát hành thẻ tín dụng được ấn định 50.000 – 70.000 USD, nhưng dịch vụ này sớm mang lại lợi nhuận cho các ngân hàng khi phát triển được một lượng khách hàng nhất định.

Sacombank cho biết, tính đến nay, Ngân hàng phát hành trên 2,6 triệu thẻ. Mảng dịch vụ thẻ đang đóng góp 20 - 25% vào tổng thu nhập, lợi nhuận của Ngân hàng. Không chỉ dừng lại ở tính năng thanh toán, Sacombank còn phát triển dịch vụ thấu chi tín chấp qua thẻ.

DongA Bank cũng tập trung phát triển mảng dịch vụ thẻ và đến nay đã có trên 6 triệu khách hàng sử dụng thẻ.

Nhu cầu sử dụng thẻ thanh toán hàng hóa của người tiêu dùng Việt Nam ngày một gia tăng, nên việc phát triển sản phẩm, dịch vụ thẻ của ngân hàng khá đa dạng. MasterCard cho biết, không chỉ liên kết với ngân hàng tại thị trường Việt Nam phát hành thẻ tín dụng, mà còn phát hành cả thẻ nội địa và thẻ thanh toán. Visa Card đã đạt hơn 1 triệu thẻ tại Việt Nam hay MasterCard có mức tăng trưởng bình quân gần 50%/năm về số lượng  và hơn 40% về doanh số thanh toán qua thẻ.

Đẩy mạnh chiến lược bán lẻ tại thị trường Việt Nam, ANZ cũng chú trọng phát triển thẻ tín dụng. Theo ANZ, 10 năm tới, thẻ tín dụng sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam. 

Tận thu phí

Hiện nhiều ngân hàng đã thu phí nộp tiền vào tài khoản thanh toán khác tỉnh, thành với mức 0,02 - 0,03% tổng giá trị thanh toán. Kể cả với những ngân hàng có thị phần và mạng lưới rộng như Vietcombank, Vietinbank cũng thu phí nộp tiền vào tài khoản nếu khác tỉnh, thành.

Theo đó, khách hàng sẽ phải trả từ 10.000 đồng đến 1 triệu đồng, tùy giá trị nộp cho một lần giao dịch. DongA Bank cũng thu phí nộp tiền mặt vào tài khoản ATM kể từ tháng 5/2014, với mức 5.000 đồng/lần nộp tiền, thay vì chỉ thu phí rút tiền như trước. Các chuyên gia tài chính cho rằng, điều này rất mâu thuẫn với mục đích hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.

Ngoài việc phải chịu phí nộp tiền mặt, rút tiền, khách hàng có nhu cầu thanh toán bằng thẻ (ATM, thẻ ghi nợ nội địa, quốc tế) còn bị các cửa hàng “chạt” phí thanh toán từ 2 – 3%, mà khoản này đáng ra chủ cửa hàng phải trả cho ngân hàng thanh toán, sau đó ngân hàng thanh toán mới trả lại cho ngân hàng phát hành thẻ. Trong khi đó, theo Điều 24, Quy chế phát hành, thanh toán, sử dụng và cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thẻ ngân hàng (ban hành kèm theo Quyết định 20/2007/QĐ-NHNN, nay là Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-NHNN ngày 24/4/2014), ngân hàng thanh toán có nghĩa vụ yêu cầu đơn vị chấp nhận thẻ không được phân biệt số tiền trong thanh toán thẻ. 

Rủi ro cao

Ngoài việc bị tận thu phí, không ít chủ thẻ còn chịu cảnh mất tiền oan, vì dễ bị đánh cắp thông tin cá nhân trong quá trình giao dịch. Bởi mọi dữ liệu như tên, tuổi, số thẻ và mã xác thực được in nổi trên bề mặt thẻ tín dụng cũng như thẻ thanh toán trả trước. Mới đây, Công an Việt Nam phối hợp với các nhà chức trách Mỹ và Anh triệt phá đường dây ăn cắp thông tin thẻ tín dụng quốc tế trị giá 200 triệu USD. Hay việc chủ thẻ của VIB là ông Hồ Lê Phong (quận Phú Nhuận, TP. HCM) bị mất 2.400 USD do bị đánh cắp thông tin thẻ...

Thực tế, việc bảo mật thông tin của ngân hàng cho chủ thẻ tín dụng vẫn khá lỏng lẻo. Thanh toán bằng thẻ tín dụng tại các điểm mua hàng, trung tâm thương mại hiện không cần password. Chủ thẻ khi có nhu cầu thanh toán bằng thẻ chỉ cần đưa thẻ cho nhân viên thanh toán để cà thẻ qua máy POS. 

Những rủi ro đối với thẻ tín dụng không chỉ riêng chủ thẻ phải gánh, mà các ngân hàng cũng khó tránh. Cấp hạn mức tín dụng cao (lên tới cả tỷ đồng), không có tài sản đảm bảo nên nguy cơ nợ xấu lớn. Phó tổng giám đốc OCB Trương Đình Long thừa nhận, lợi nhuận từ thẻ tín dụng cao (hiện phổ biến ở mức 30-35%/năm), nhưng đi kèm với đó là những rủi ro không nhỏ.

Tin liên quan
Tin khác