Ngân hàng - Bảo hiểm
Phát hiện hàng trăm cơ sở kinh doanh vàng vi phạm: Cần chính sách mới về quản lý vàng nữ trang
Trần Mạnh - 29/09/2016 08:04
Có ít nhất 600 cơ sở kinh doanh vàng bị phát hiện vi phạm cho thấy, chính sách quản lý vàng nữ trang hiện nay vẫn còn nhiều lỗ hổng. Được biết, chính sách mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng.

Các đợt thanh kiểm tra liên tiếp từ đầu năm đến nay của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho thấy, vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vàng nữ trang diễn ra tràn lan. Cụ thể, tính đến tháng 9/2016, đã có hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng bị phát hiện vi phạm, số tiền xử phạt lên tới 2,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tịch thu tới 4.000 mẫu vàng, tạm dừng lưu thông hơn 2.800 mẫu… do các sai phạm về ghi nhãn, có dấu hiệu gian lận về trọng lượng…

Mặc dù từ năm 2012, khi siết lại quản lý thị trường vàng, NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2012/TT-NHNN, Bộ KH&CN ban hành Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, song đến nay, thị trường vàng nữ trang vẫn khá lộn xộn.

.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng thừa nhận, tình trạng gian lận về trọng lượng vàng vẫn diễn ra nhiều nơi, trong khi người dân vẫn thiếu các kênh thông tin về kiểm định vàng. Hiện Hiệp hội đang chuẩn bị vận hành Công ty Kiểm định vàng bạc, đá quý Việt Nam, trước mắt sẽ hoạt động ở các thành phố lớn. Khi Công ty đi vào hoạt động (ban đầu là miễn phí), tình trạng gian lận có thể giảm dần.

Trên thực tế, Bộ KH&CN đã chỉ định nhiều đơn vị đủ tiêu chuẩn xác định hàm lượng vàng, đó là các trung tâm thuộc Tổng cục Đo lường chất lượng, các đơn vị trực thuộc của Doji, PNJ, SJC… Tuy nhiên, người dân vẫn ngại đi giám định, phó thác toàn bộ niềm tin vào các cơ sở kinh doanh vàng. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều cơ sở kinh doanh vàng, nhất là cơ sở nhỏ lẻ đã gian lận chất lượng, hàm lượng vàng để kiếm lời. Tình trạng vàng thiếu tuổi diễn ra hầu như phổ biến ở khắp các tỉnh, thành phố.

Thời gian qua, nhiều cơ sở kinh doanh vàng khi bị xử phạt đã kêu oan, cho rằng phải phạt đơn vị sản xuất. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, theo quy định, các cơ sở kinh doanh phải kiểm tra được chất lượng hàng hóa bày bán. Do đó, khi mua hàng, các cơ sở kinh doanh vàng phải có trách nhiệm kiểm định chất lượng, trước khi bán cho người dân.

Mặc dù vậy, đại diện Bộ KH&CN cũng thừa nhận, hiện nhiều quy định của Thông tư 22/2013/TT-BKHCN còn bất cập, chưa xử lý được tận gốc vấn đề. Do đó, Bộ KH&CN đang kiến nghị sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và các thông tư hướng dẫn kèm theo, trong đó có Thông tư 22.  

Nguồn tin từ NHNN cho hay, NHNN đang giao cho các đơn vị chức năng đánh giá, tổng kết lại toàn bộ chính sách quản lý thị trường vàng từ khi Nghị định 24 ra đời. Theo đánh giá ban đầu, Nghị định 24 đã giúp quản lý tốt thị trường vàng miếng, song thị trường vàng nữ trang vẫn còn nhiều lỗ hổng. Sau khi có đánh giá đầy đủ, NHNN sẽ đề xuất các giải pháp tiếp theo với quản lý thị trường vàng, trong đó có thị trường vàng nữ trang.

Tin liên quan
Tin khác