Xuất hiện nốt sẩn đen dưới lòng bàn chân trái 10 năm nay, nhưng chị C.T.H.N và gia đình không mấy bận tâm, chỉ nghĩ là nốt ruồi thông thường.
Ảnh minh họa. |
Gần đây, nốt ruồi có dấu hiệu to dần, bề mặt sần sùi chị mới đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec kiểm tra và phát hiện mắc ung thư hắc tố da.
Theo dân gian, nếu bạn có một nốt ruồi ở lòng bàn chân, nó có thể tượng trưng cho tài lộc và sự sung túc trong cuộc sống. Cũng sở hữu một nốt ruồi phong thủy như vậy, nhưng trường hợp của chị C.T.H.N (47 tuổi, Hà Nội) lại không được may mắn như ý nghĩa mà nó mang lại.
Chị N. cho biết, thời gian gần đây chị phát hiện nốt ruồi dưới lòng bàn chân có dấu hiệu tăng kích thước. Nhận thấy điểm bất thường, chị quyết định tới Medlatec kiểm tra.
Với kinh nghiệm của bác sĩ, qua thăm khám lâm sàng phát hiện tính chất ác tính của nốt ruồi với những dấu hiệu sau: kích thước khoảng 1cm, bất đối xứng, bề mặt nâu đen sần sùi.
Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ u để đánh giá trên mô bệnh học. Kết quả phân tích mô bệnh học cho thấy các tế bào u có đặc điểm ác tính như nhân lớn, đa hình, có hạt nhân đỏ, rải rác một số nhân chia, bào tương chứa sắc tố melanin, xâm nhập trong lớp thượng bì và tới lớp lưới trung bì. Với những đặc điểm này các bác sĩ giải phẫu bệnh hướng tới chẩn đoán ung thư hắc tố da.
Để khẳng định chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt với các u ác tính khác như ung thư của tuyến phụ thuộc da, ung thư di căn, chị N. tiếp tục được chỉ định thực hiện xét nghiệm nhuộm hóa mô miễn dịch trên mẫu bệnh phẩm phẫu thuật.
Kết quả u bộc lộ với các dấu ấn ung thư hắc tố da như S100, HMB45, Melan A. Bác sĩ đưa ra chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc ung thư hắc tố da. Hiện tại sau phẫu thuật cắt u, sức khỏe chị N. ổn định, được bác sĩ tư vấn hướng theo dõi và hẹn tái khám sau 3 tháng.
Theo các bác sĩ, những dấu hiệu nhận biết nốt ruồi có nguy cơ ác tính, trên cơ thể người thường xuất hiện các hiện tượng tổn thương da xuất hiện bẩm sinh hoặc mắc phải như tàn nhang, nốt ruồi, thay đổi sắc tố da...
Đa phần những tổn thương này là lành tính, tuy nhiên, một số trường hợp các tổn thương này có thể chuyển dạng ác tính do đó, cần phải theo dõi sự tiến triển của chúng.
Theo đó, 5 dấu hiệu nhận biết nốt ruồi có nguy cơ ác tính bao gồm: Không đối xứng: Nốt ruồi thường có hình tròn và oval, 2 bên đối xứng nhau, nhưng với nốt ruồi có nguy cơ ác tính thì 2 phía không đối xứng.
Đường viền bất thường: Các nốt ruồi lành tính có đường viền mềm mại, cong tròn nhưng nốt ruồi không điển hình lại có viền như hình bản đồ, khúc khuỷu, không đều;
Màu sắc không đồng nhất: Thay vì chỉ có màu nâu hay màu đen, nốt ruồi có nguy cơ ác tính có chỗ đậm, chỗ nhạt, chỗ màu đen, màu nâu, màu đỏ, màu xanh hoặc mất sắc tố;
Kích thước lớn: Nốt ruồi thông thường có kích thước dưới 6mm. Các nốt ruồi có kích thước trên 6mm được đánh giá có yếu tố nguy cơ.
Phát triển bất thường: Với nốt ruồi có nguy cơ ác tính, thời gian chuyển từ kích thước nhỏ tới lớn rất ngắn. Có thể chỉ trong vài tháng, nốt ruồi đã tăng tới vài lần.
Ngoài ra, có một số đặc điểm khác như: loét, chảy máu, bề mặt sần sùi, ngứa hoặc đau...
Bên cạnh việc nhận biết bằng mắt thường để xác định các dấu hiệu nghi ngờ, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín nhằm thực hiện các cận lâm sàng cần thiết phục vụ chẩn đoán xác định.
Đặc biệt, trong các trường hợp cần xác định rõ bản chất tổn thương là gì thì không thể thiếu vai trò của xét nghiệm giải phẫu bệnh - “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán các bệnh lý ác tính.