Trong buổi toạ đàm “Nhân sống khoẻ kiến tạo” - một chương trình vì cộng đồng do Nhân Humanity phối hợp dự án “Sách Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng” tổ chức ngày 13/4 tại TP.HCM, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho rằng, đối với những người bệnh huyết áp cao, việc áp dụng chế độ thực dưỡng như sử dụng gạo lứt, muối mè có thể giúp làm giảm ăn (giảm lượng calo nạp vào). Tuy nhiên, người bệnh ung thư áp dụng chế độ ăn thực dưỡng là hoàn toàn không đủ.
Các bác sĩ chia sẻ tại toạ đàm “Nhân sống khoẻ kiến tạo”. |
Hiện nay, trên mạng xã hội tràn lan những bài viết tuyên truyền về cách chữa bệnh bằng chế độ dinh dưỡng, trong đó có việc ăn thực dưỡng chữa ung thư. Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Hùng cho biết bản chất của thực dưỡng là một cách thực hành ăn uống với những khuyến cáo lành mạnh như ăn nhiều ngũ cốc, gạo lứt, ăn nhiều rau củ quả, hạn chế thịt đỏ, hạn chế các sản phẩm đóng hộp và phối hợp với tập luyện, vận động, rèn luyện cơ thể…
“Do đó, người bệnh không nên ăn theo chế độ thực dưỡng để điều trị ung thư. Nếu không được cung cấp đủ năng lượng, người bệnh sẽ dẫn đến suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật, không đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị… Khi phát hiện mắc bệnh, người bệnh cần đến bệnh viện, gặp bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị, cũng như chế độ dinh dưỡng hợp lý”, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam chia sẻ.
Ăn uống đồ quá nóng hoặc quá cháy có nguy cơ gây ung thư thực quản vì nhiệt độ cao có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản; đặc biệt ăn đồ quá mặn cũng có nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Ngoài ra, kể lại câu chuyện vào năm 2006, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng thông tin, tại một hội nghị quốc tế về Ung thư diễn ra ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ, cựu Tổng thống George H.W. Bush phát biểu trước hàng nghìn chuyên gia ung bướu toàn cầu là thức ăn nhanh, nước ngọt đã làm người Mỹ béo phì đến mức đáng lo ngại, kéo theo đó là bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư… Ông kêu gọi phải xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
“Bệnh theo miệng mà vào nếu chúng ta đưa thức ăn vào cơ thể một cách quá đáng và lệch hướng. Do đó, nuôi dưỡng sự sống, bảo vệ thân thể chính là không ăn thức ăn quá mặn, quá ngọt, quá béo, thức ăn quá cháy, các loại thức ăn nhanh”, bác sĩ Hùng nói và cho biết để ngăn ngừa ung thư, người dân nên ăn “lành”, nghĩa là cân bằng thực vật, động vật, tinh bột, không quên chất xơ và ăn mỡ vừa phải.
Đồng thời, bác sĩ Hùng cũng lưu ý việc mất ngủ kinh niên sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiều bệnh như ung thư, béo phì, suy giảm miễn dịch, tim mạch, cao huyết áp... thậm chí là dễ tử vong. Do vậy, mọi người cần ngủ đủ và ngủ ngon mỗi ngày.
Hiện nay, chế độ dinh dưỡng mỗi cá nhân đều khác nhau, phụ thuộc vào nghề nghiệp, luyện tập nhưng phải đủ các chất đạm, đường, béo… với thành phần hợp lý. Riêng các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, rối loạn mỡ máu, gút… nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ làm bệnh nặng hơn.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Lan Anh, Trưởng Bộ môn dinh dưỡng và thực phẩm, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, dinh dưỡng không chỉ hỗ trợ mà còn điều trị, phòng chống các bệnh, đặc biệt các bệnh mãn tính. Để có chế độ dinh dưỡng hợp lý, người dân có thể đến cơ sở tư vấn dinh dưỡng để nhận được tư vấn của bác sĩ.