Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó trên 2.000 làng nghề truyền thống, thuộc nhiều nhóm ngành nghề khác nhau.
Tại Hà Nội, nhiều làng nghề đã được đưa vào khai thác du lịch nhờ tính độc đáo, mang đậm nét giá trị truyền thống, văn hóa bản địa, khiến du khách luôn cảm thấy sự khác biệt khi có dịp đến tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch làng nghề cũng được các địa phương khai thác theo hướng du lịch xanh để đạt mục tiêu kép, vừa gìn giữ môi trường, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân làng nghề, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch, góp phần hướng tới kinh tế xanh, phát triển du lịch bền vững.
Nhiều điểm đến là làng nghề hoặc cơ sở sản xuất nghề truyền thống được các doanh nghiệp lữ hành uy tín thiết kế, phối hợp với địa phương đưa vào khai thác trong chương trình tour như: làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu; làng nghề tơ tằm, tơ sen Mỹ Đức. Đây là hai tuyến du lịch có nhiều lợi thế về cảnh quan sinh thái, di sản, làng cổ. Hay như làng nghề gốm Bát Tràng, làng nghề quạt Chàng Sơn, làng nón Chuông…
Nếu có dịp ghé thăm các cơ sở sản xuất dệt may tại huyện Mỹ Đức, cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến, trải nghiệm các công đoạn từ trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải, đặc biệt là trải nghiệm làm sản phẩm tơ sen độc đáo.
Hay như làng gốm Bát Tràng đã trở thành một điểm đến quen thuộc cho du khách cả trong và ngoài nước. Các hộ gia đình ở đây không chỉ sản xuất và bán sản phẩm gốm sứ, mà còn mở rộng dịch vụ du lịch như trải nghiệm làm gốm, tham quan xưởng sản xuất và bán hàng lưu niệm. Sự đa dạng này giúp người dân Bát Tràng có nguồn thu nhập ổn định, đời sống ngày càng cải thiện.
Có thể thấy, phát triển du lịch làng nghề mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho người dân địa phương. Khi du lịch phát triển, nhu cầu các sản phẩm thủ công, dịch vụ lưu trú, ăn uống và hướng dẫn viên tăng lên, giúp tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Nhiều làng nghề đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút hàng vạn lượt khách mỗi năm.
Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh một số làng nghề đã thực sự trở thành điểm đến du lịch, khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm của du khách, vẫn còn nhiều điểm đến mới chỉ là nơi “ghé chân”.
Mặc dù chính quyền các địa phương đã cố gắng, nhưng nhiều năm qua, chỉ có một số làng nghề được đưa vào chương trình du lịch của doanh nghiệp lữ hành. Thực tế, du lịch làng nghề không chỉ đơn thuần là đến xem các nghệ nhân làm ra sản phẩm, hay đến mua sắm, tham quan, mà du khách còn mong muốn được tìm hiểu các nguyên liệu làm ra sản phẩm, giá trị thể hiện ở quy trình sản xuất, công dụng sản phẩm do chính người thợ làng nghề chia sẻ, kể những câu chuyện, lịch sử liên quan đến nghề truyền thống mà họ khó có thể tìm thấy ở nơi khác.
Bà Tạ Thị Tú Uyên, đại diện Vietravel cho rằng, để thu hút du khách thì sản phẩm du lịch làng nghề phải thay đổi. Các đơn vị cần lựa chọn sản phẩm theo hướng gia tăng trải nghiệm, xây dựng theo chiều sâu văn hóa, phát huy thế mạnh độc đáo của tài nguyên du lịch, đồng thời tạo tính liên kết chặt chẽ giữa các không gian và sản phẩm trong suốt hành trình để tạo nên cảm xúc, ấn tượng cho du khách sau mỗi chuyến đi.
Ngoài ra, việc đào tạo nhân lực du lịch cũng rất quan trọng. Các làng nghề cần có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, thân thiện, có khả năng giao tiếp ngoại ngữ và hiểu biết sâu rộng về sản phẩm và văn hóa địa phương. Điều này sẽ giúp du khách có trải nghiệm tốt hơn, từ đó tăng khả năng quay lại và giới thiệu cho bạn bè, người thân.
Bên cạnh đó, cũng không thể thiếu vai trò của công nghệ trong việc quảng bá và tiếp cận du khách. Các làng nghề cần tận dụng tối đa kênh truyền thông số như mạng xã hội, website, các ứng dụng du lịch để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của mình. Việc xây dựng các video quảng bá dạng ngắn, hình ảnh chân thực, sống động về quá trình sản xuất, các hoạt động văn hóa, cùng những trải nghiệm độc đáo sẽ thu hút sự quan tâm của du khách.
Cuối cùng, việc hợp tác giữa làng nghề và đơn vị lữ hành, khu du lịch lớn sẽ tạo nên các gói sản phẩm phong phú, đa dạng, mang đến cho du khách nhiều lựa chọn hấp dẫn. Sự kết hợp này giúp nâng cao giá trị của các sản phẩm du lịch làng nghề, tạo ra một mạng lưới hỗ trợ phát triển bền vững cho ngành du lịch địa phương.