Dự án này được ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐTV Thaco nhắc tới trong Thông điệp số 11 năm 2016 gửi tới toàn thể cán bộ, công nhân viên Thaco khi quay trở lại công việc sau kỳ nghỉ Tết Bính Thân. Mặc dù quy mô vốn đầu tư của Dự án cũng như tỷ lệ tham gia vốn góp của Thaco và Công ty Mazda chưa được công bố, nhưng ông Dương cho phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn hay, Dự án sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018.
“Dự án lấy mốc bắt đầu hoạt động là năm 2018. Đây cũng là thời điểm thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0%, hội nhập được mở toang cánh cửa”, ông Dương nói và ước tính, cần khoảng 18 tháng để hoàn tất việc xây dựng.
Thaco đang quyết tâm mở rộng sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Ảnh: Hoàng Minh |
Điều đáng nói là, chỉ ít ngày trước khi ông Dương công bố kế hoạch triển khai xây dựng Dự án Nhà máy lắp ráp xe Mazda giai đoạn I có công suất 50.000 xe/năm, Chính phủ đã ban hành Quyết định 229/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, trong đó có một số ưu đãi rất đáng chú ý dành cho những dự án quy mô lớn sẽ được triển khai.
Theo đó, dự án đầu tư sản xuất các dòng xe ưu tiên có quy mô công suất trên 50.000 xe/năm và dự án sản xuất các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động sẽ có những mức ưu đãi cụ thể được Thủ tướng Chính phủ quyết định, bên cạnh nhiều ưu đãi khác được ghi tại Quyết định 229/2015/QĐ-TTg, như được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, hưởng chính sách tín dụng xuất khẩu, hưởng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, được hỗ trợ kinh phí cho đào tạo nhân lực, thuê chuyên gia tư vấn kỹ thuật, hay tham gia chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Để chuẩn bị cho dự án đầu tư mới có sự hợp tác của Mazda tại Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản là vệ tinh cho Mazda đã tới Khu công nghiệp cơ khí ô tô mở rộng Chu Lai - Trường Hải thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) để tìm cơ hội đầu tư.
Ngày 16/2, nhóm 46 doanh nghiệp là các nhà cung cấp vật tư, linh kiện cho Tập đoàn Mazda (Nhật Bản) đã tới Chu Lai. Thời gian tới, một loạt doanh nghiệp sản xuất phụ tùng cũng sẽ tới đây tìm kiếm cơ hội.
“Chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được càng nhiều doanh nghiệp vệ tinh của Mazda Nhật Bản tới Việt Nam đầu tư càng tốt, để hình thành hệ thống công nghiệp hỗ trợ mạnh cho sản phẩm Mazda ngay tại Việt Nam”, ông Dương nói.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cũng cho hay, phải có những ưu đãi thực sự và khác biệt thì mới mong có được một vài doanh nghiệp đầu tư mạnh cho phát triển mạnh công nghiệp ô tô trong thời gian còn lại không nhiều trước khi tới thời điểm cạnh tranh với ô tô nhập khẩu từ ASEAN có thuế suất 0% vào năm 2018.
Với thực tế đầu tư cho xe tải, xe buýt hay xe con với các thương hiệu Kia, Mazda và Peugeot thời gian qua, ông Dương cho biết, công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô của Thaco sẽ đi theo hướng nội địa hóa các chi tiết cồng kềnh, tốn kém chi phí vận chuyển, vẫn phải sử dụng nhiều nhân công và các chi tiết mà làm ở Việt Nam có lợi thế hơn, rồi tiến tới mở rộng ra các chi tiết có độ phức tạp hơn. Theo hướng này, các chi tiết như ghế, thân vỏ xe được Thaco tập trung nội địa hóa.
“Tư duy của người nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu là họ làm ở đâu rẻ, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn. Không thể ép họ làm, nếu ở Việt Nam làm mất 5 đồng, trong khi làm ở nước khác chỉ mất 3 đồng cho cùng một sản phẩm”, ông Dương nói và cho biết thêm, sở dĩ chọn ghế để nội địa hóa là bởi các bộ khung ghế có diện tích rất cồng kềnh, khiến mất nhiều chi phí khi di chuyển. Ngoài ra, may ghế vẫn phải dùng thủ công, nên chắc chắn nhân công ở Việt Nam rẻ hơn. Một chi tiết khác cũng sẽ được nội địa hóa sớm là bộ dây điện ô tô, bởi các thao tác đấu nối, bó dây chưa thể tự động hóa.
Ngoài những sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc như BT-50, CX-9, các sản phẩm ô tô Mazda còn lại được Thaco lắp ráp tại Nhà máy của VinaMazda nằm trong Khu công nghiệp Ô tô Thaco - Chu Lai. Lý giải về việc đầu tư thêm nhà máy mới hoàn toàn cho thương hiệu Mazda, ông Dương cho hay, nhà máy hiện tại chỉ có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất, lắp ráp trong 1 - 2 năm tới, sau đó sẽ quá tải. Tuy nhiên, khi đầu tư nhà máy Mazda mới có công suất giai đoạn đầu 50.000 xe/năm, nhà máy lắp ráp xe Mazda hiện tại sẽ tiếp tục được sử dụng để chuyển sang lắp ráp xe du lịch Peugeot, phù hợp với sản lượng tiêu thụ của dòng xe châu Âu này, chứ không phải bỏ không.
Dĩ nhiên, việc Thaco có thể tận dụng nhà máy cũ và tiếp tục đầu tư nhà máy mới là bởi doanh nghiệp này đang kinh doanh đồng thời 3 thương hiệu xe du lịch, gồm Kia, Mazda và Peugeot.
Năm 2015, Mazda đã bán được 20.359 xe tại thị trường Việt Nam, tăng 116% so với năm 2014. Thành tích này có được là nhờ những mẫu xe như Mazda2, Mazda3, CX-5, Mazda6 và BT-50. Với kết quả này, Mazda chỉ đứng sau thương hiệu Toyota và Kia về doanh số xe du lịch dưới 9 chỗ tại Việt Nam.
Còn trong tháng đầu tiên của năm 2016, Thaco lại khiến nhiều đối thủ phát sốt khi đạt doanh số bán xe Mazda là 2.873 xe, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước, tạo kỷ lục mới về doanh số bán theo tháng kể từ khi Mazda chính thức xuất hiện trên thị trường Việt Nam năm 2012.