Nghị định 115/2018 của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10/2018. Theo đó, nghị định quy định chi tiết điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm.
Với quy định này, sẽ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.
Tại các căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể, quầy hành kinh doanh thức ăn ăn ngay... nếu người tham gia chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay sẽ bị xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm;
Tại nơi kinh doanh ăn uống cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến bị ứ đọng; không được che kín; Không có nhà vệ sinh, nơi rửa tay; Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy cũng bị phạt từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Với một trong các hành vi như: Sử dụng nước không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật hoặc không bảo đảm vệ sinh theo quy định của pháp luật tương ứng để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống; Chủ cơ sở không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định của pháp luật;Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, trừ các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, các điểm a, b và c khoản 4, khoản 5 sẽ bị phạt từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi kể trên.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được tham gia trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Theo đó, lao động được coi là không đủ điều kiện sức khỏe làm việc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm tại các cơ sở này khi mắc một trong các các chứng bệnh truyền nhiễm như lao tiến triển chưa điều trị; các bệnh tiêu chảy (tả, lỵ, thương hàn), chứng rối loạn cơ vòng bàng quang và hậu môn (són tiểu..), viêm gan virus (A, E); viêm đường hô hấp cấp tính; tổn thương ngoài da nhiễm trùng… Người không có các triệu chứng lâm sàng của bệnh đường ruột nhưng mang vi khuẩn gây bệnh cũng không được tham gia trực tiếp dây chuyền chế biến thực phẩm.
Người lao động trong lĩnh vực này phải được khám sức khỏe trước khi tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ và chịu sự quản lý nhà nước theo quy định của Bộ luật Lao động.
Nghị định cũng quy định rõ hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định.
Đánh giá về các quy định xử phạt chi tiết tại nghị định mới, ông Trần Văn Châu, Trưởng Phòng Công tác thanh tra Cục ATTP - Bộ Y tế cho rằng, nghị định đã có tính răn đe hơn khi quy định rõ mức phạt tiền với các vi phạm an toàn thực phẩm, không chỉ xử phạt cảnh cáo như trước kia.
Đặc biệt với thức ăn đường phối luôn được ưa chuộng, việc có chế tài để xử lý các vi phạm sẽ khiến người kinh doanh phải có ý thức đảm bảo an toàn thực phẩm hơn. Việc có chế tài sẽ khiến người bán hàng thay đổi hành vi, như chú ý tới cắt móng tay, dùng găng tay nilon khi tiếp xúc thực phẩm chín...
Tuy nhiên, ông Châu cũng nhấn mạnh việc tuyên truyền để người tiêu dùng quay lưng lại với thực phẩm không đảm bảo an toàn cũng là yếu tố tác động mạnh khiến những người kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo yếu tố sạch để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 và thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Ngoài việc tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm, nghị định mới bổ sung nhiều hành vi bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.