Tạo không gian, hành lang phát triển mới cho vùng ven biển Bến Tre
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, là địa phương vùng ĐBSCL, tỉnh xác định rõ xây dựng quy hoạch tỉnh là cơ sở rất quan trọng để Bến Tre hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn và có tính đến các pjhương án kịch bản ứng phó, trong đó ưu tiên phát triển mạnh về hướng Đông với điểm nhấn là khu lấn biển với diện tích khoảng 50.000 ha, tạo thêm không gian mới, phát triển mở rộng theo nhu cầu phát triển của tỉnh là nhiệm vụ đặt ra đầu tiên trong quá trình lập quy hoạch.
Bến Tre phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, với mục tiêu xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh Bến Tre hướng đến qua các thời kỳ là "Người dân có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc". Đến năm 2050, Bến Tre là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, môi trường sống xanh, sạch; phấn đấu trở thành đơn vị hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của TP.HCM. Các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng ĐBSCL và cả nước...
Hạ tầng giao thông Bến Tre ngày càng hoàn thiện để thu hút đầu tư |
Trên cơ sở đó, Bến Tre phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 10 - 10,5%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt trên 170 triệu đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 13,5 - 14,5%/năm, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP khoảng 45%; phát triển mạnh hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số để đến năm 2030 kinh tế số chiếm 25 - 30% GRDP. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 50%. Tỷ lệ tăng dân số khoảng 0,22 - 0,24%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 75%, giải quyết việc làm cho người lao động 18.000 - 20.000 người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 2,5%.
Cơ hội mới để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Bến Tre
Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, tiếp thu sâu sắc lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định “Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, từ đó mới có nhà đầu tư tốt”; lãnh đạo tỉnh Bến Tre xác định xây dựng Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, then chốt của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà; đặt nền móng cho quá trình phát triển lâu dài của tỉnh Bến Tre.
Thời gian qua, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Bến Tre luôn phát huy truyền thống Đồng khởi, chung sức, đồng lòng, nỗ lực xây dựng phát triển quê hương và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển; hạ tầng thiết yếu về y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân cải thiện rõ nét; các thành phần kinh tế tương đối phát triển, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng.
Là một trong 13 tỉnh, thành phố của vùng ĐBSCL, Bến Tre hiện đang có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư khi cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên phát huy hiệu quả, tạo được sự kết nối thông suốt giữa Bến Tre và các tỉnh duyên hải phía Đông với vùng kinh tế năng động như TP.HCM và các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong những năm qua, Bến Tre cũng luôn nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo điểm đến tin cậy để các nhà đầu tư tìm hiểu và quyết định triển khai các dự án đầu tư. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bến Tre luôn đứng trong nhóm điều hành tốt và rất tốt so với cả nước. Tập trung bám sát vào định hướng quy hoạch, tạo lợi thế mới để thu hút các nhà đầu tư chiến lược ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh và tiềm năng Bến Tre.
Với những lợi thế đó, cùng với sự quyết tâm, năng động và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Bến Tre đã tập trung thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung toàn lực để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của năm 2023.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê tăng trưởng GRDP năm 2023 của Bến Tre ước đạt 5,16%, đứng thứ 47 cả nước; kết quả này còn khá khiêm tốn so với vùng ĐBSCL và cả nước, song với sự nỗ lực hết mình, quyết tâm chính trị cao của toàn hệ thống chính trị thời gian ngắn tỉnh Bến Tre sẽ từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có sự vượt bậc, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và cả nước.
8 giải pháp chính đưa Bến Tre phát triển thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030
Bà Hồ thị Hoàng Yến - Phó Bí thư thường trực, phụ trách Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cũng như triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Bến Tre trong thời gian tới, nhất là phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL và đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển thịnh vượng, nơi đáng sống, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ thời gian hoàn thành và phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, thực hiện điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và thống nhất giữa Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch cấp cao hơn để phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đối khí hậu.
Thứ ba, nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh và quy định của pháp luật để huy động và bố trí các nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng của quy hoạch. Đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển.
Thứ tư, tăng cường quản lý đầu tư, thu hút đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương để đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án trọng điểm theo danh mục ưu tiên trong Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, nhất là các công trình, dự án có tính liên vùng nhằm tạo ra không gian mới để phát triển, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn tạo động phát triển bứt phá cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Thứ năm, phát triển kinh tế phải hài hòa với giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển cân đối giữa các ngành, không đánh đổi môi trường để chạy theo phát triển kinh tế đơn thuần; xem con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển như mục tiêu trong quy hoạch là “người dân có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc”.
Thứ sáu, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tăng năng suất cạnh tranh các ngành nghề có thế mạnh, tiềm năng trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị hàm lượng tri thức, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh, phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm.
Thứ bảy, tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Tăng cường công khai, minh bạch, lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh.
Thứ tám, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài. Tiếp tục tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng, được đào tạo bài bản; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Cuối cùng, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp trong triển khai Quy hoạch tỉnh; sử dụng và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu của Quy hoạch tỉnh phục vụ cho công tác nghiên cứu, quản lý, điều hành và thu hút đầu tư.