2019 là năm thứ hai Đà Nẵng tổ chức thành công chương trình Tọa đàm mùa Xuân. |
Tại Tọa đàm Mùa Xuân 2019 vừa diễn ra tại TP. Đà Nẵng cuối tuần trước, có 8 dự án đã được trao giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn gần 490 triệu USD. Tại sự kiện này, Đà Nẵng cũng đã trao thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư đối với 11 dự án, với tổng vốn gần 3,5 tỷ USD.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, các dự án trên đã theo đúng chủ trương, định hướng và lĩnh vực mà Thành phố tập trung phát triển thời gian tới. “Đề nghị Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân Thành phố, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để các dự án này được triển khai đúng kế hoạch và cam kết”.
Năm 2018 khép lại với Đà Nẵng là một năm đầy nỗ lực để đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm xã hội tăng 7,86%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 27.000 tỷ đồng (tăng 5% so với dự toán); khách du lịch đạt 7,6 triệu lượt người, tăng 15,5%, trong đó khách quốc tế đạt 2,8 triệu lượt.
TP. Đà Nẵng tiếp tục duy trì thứ hạng dẫn đầu cả nước năm thứ 10 liên tiếp về chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông; xếp thứ 2 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thứ 4 về chỉ số cải cách hành chính và đạt danh hiệu Thành phố xanh quốc gia do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới bình chọn.
Tuy nhiều năm liền đứng nhóm đầu cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, nhưng thực tế, Đà Nẵng vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề về tổ chức bộ máy, sự kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, nhất là trên các lĩnh vực liên quan đến đất đai, doanh nghiệp, là nguyên nhân của những trì trệ, ách tắc, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và cả niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung phát triển Thành phố trên 3 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; chú trọng đầu tư 5 lĩnh vực mũi nhọn là du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Đặc biệt, nhóm 4 vấn đề về quy hoạch, kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư, lao động và về môi trường đầu tư và kinh doanh là việc mà Đà Nẵng phải đặc biệt chú trọng tính minh bạch, hiệu quả và hiệu lực thực thi chính sách. Ông Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: “Quy hoạch mới phải đưa ra tầm nhìn mới, giải pháp mới và động lực mới cho sự phát triển nhanh nhưng ổn định và bền vững của Đà Nẵng”.
Với vai trò Giám đốc điều hành Tập đoàn Quy hoạch Surbana Jurong (Singapore) - đơn vị được Đà Nẵng lựa chọn thực hiện Đề án Điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Philip Tan cho rằng, một trong những yêu cầu hiện nay của Đà Nẵng là phải thu hút dân cư, xây dựng nhà ở, cung cấp cơ hội việc làm để phát triển và cạnh tranh; từ đó xuất hiện các nhu cầu về hạ tầng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa.
Bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề môi trường tại Đà Nẵng, doanh nhân Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Nam cho rằng, để hoàn thành mục tiêu mang tính tiên phong, bền vững, TP. Đà Nẵng cần sớm giải quyết những vấn đề tồn tại của môi trường thông qua các dự án khả thi trên cơ sở quy hoạch tổng thể và một nguồn lực đầu tư rất lớn. Đại Nam sẽ đầu tư 10.000 tỷ đồng trên cả nước về các dự án xử lý ô nhiễm nguồn nước và Đà Nẵng sẽ được chọn để thực hiện trong năm 2019.