Vấn đề lớn cần phải giải quyết vẫn là cơ chế nào để doanh nghiệp nhà nước tối đa hóa nguồn lực đang nắm giữ.
Viettel là một trong 3 doanh nghiệp được chọn thí điểm thực hiện Đề án Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn. Ảnh: Đức Thanh |
Thế nào là sếu đầu đàn?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức công bố Dự thảo Đề án Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới.
Lần đầu tiên, đề xuất thí điểm thực hiện những chính sách riêng biệt đối với doanh nghiệp được chọn để thúc đẩy sự hình thành của những con sếu đầu đàn.
Nhưng, câu hỏi đầu tiên phải trả lời, đó là sếu đầu đàn là thế nào thực sự quan trọng, vì với vị trí này, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện được vai trò hình thành và mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị, trước hết ở trong nước, tiến tới ra khu vực và xa hơn.
Trong phần xác định tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp nhà nước tham gia thí điểm Đề án, các chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xác định 5 tiêu chí.
Một là, phải đạt yêu cầu kinh tế quy mô xét trên tiêu chí về quy mô tài sản hoặc vốn điều lệ. Mục vốn điều lệ được đề xuất ở mức trên 1.800 tỷ đồng.
Hai là, phải có khả năng mở rộng thị trường hoặc/và tăng được thị phần, phải đạt được thị phần đủ lớn để có khả năng chi phối thị trường. Như vậy, doanh nghiệp sếu đầu đàn phải có được mức chiếm thị phần từ 30% trở lên.
Ba là, phải có hệ thống quản trị tốt, đạt được yêu cầu tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, trang thiết bị, áp dụng trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến…
Bốn là, hoạt động trong những ngành có tính chất lan tỏa, dẫn dắt, nhưng không thuộc ngành, lĩnh vực Nhà nước độc quyền. Có thể kể đến các ngành như kết cấu hạ tầng kinh tế, công nghiệp, năng lượng, viễn thông, tài chính - ngân hàng…
Năm là, phải là công ty 100% vốn nhà nước hoặc có vốn góp, cổ phần chi phối của Nhà nước. Tuy nhiên, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp đã đa dạng hóa sở hữu hoặc có khả năng đa dạng hóa sở hữu trong thời gian tới, với Nhà nước sẽ nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên.
Doanh nghiệp nào được chọn?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất 3 ngành thực hiện thí điểm, gồm viễn thông, năng lượng, công nghiệp quốc phòng.
Theo giải trình, đây là các ngành, lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của một quốc gia (cung cấp nguyên liệu đầu vào không thể thiếu cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, cung cấp kết cấu hạ tầng trong thời kỳ chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 và bảo đảm quốc phòng). “Việc lựa chọn này còn xuất phát từ yêu cầu, định hướng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới để từ đó đưa ra chính sách hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp”, Dự thảo Đề án viết.
Đi cùng với 3 ngành này, 3 doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm là MobiFone, EVN và Viettel.
Lý do chọn MobiFone, theo lý giải của các chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là doanh nghiệp có tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt trong 3 doanh nghiệp viễn thông.
Đây cũng là doanh nghiệp có công nghệ và hệ thống quản trị tốt do trước đây đã được kế thừa các kinh nghiệm quản trị của Tập đoàn Kinnevik/Comvik (Thụy Điển) theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).
Đặc biệt, MobiFone đang định hướng tập trung chuyển đổi số mạnh và xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tư nhân (trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa).
“Đây là một yếu tố sẽ thu hút các nhà đầu tư quan tâm, đồng thời, cũng là điều kiện để hình thành chuỗi liên kết và thực hiện vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dữ liệu”, Đề xuất thí điểm đánh giá.
Việc lựa chọn EVN cũng với các lý do về năng lực hiện tại của doanh nghiệp, như chiếm tỷ trọng gần 50% sản lượng điện toàn quốc, có kinh nghiệm chuyên môn và thực tế đầu tư trong lĩnh vực điện, đặc biệt là năng lượng sạch…
Đề án lựa chọn Viettel trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng do đây là đơn vị hàng đầu trong nghiên cứu - phát triển, chế tạo, sản xuất, chuyển giao công nghệ, xuất nhập khẩu các sản phẩm, trang thiết bị kỹ thuật quân sự và các mặt hàng lưỡng dụng phục vụ quốc phòng và dân sự.
Điểm đáng nhấn mạnh là, trong định hướng phát triển của mình, Viettel đang xây dựng và phát triển lĩnh vực công nghiệp, tập trung vào 3 mảng là công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp an ninh mạng; phấn đấu từ nay đến năm 2025, nằm trong Top 80 doanh nghiệp có doanh thu từ hoạt động quốc phòng cao trên thế giới.
Cơ chế đề xuất
Giải pháp được xác định cho MobiFone trong thời gian tới để phát huy vai trò dẫn dắt là ưu tiên đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.
Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cả MobiFone và Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020. Tuy nhiên, cả 2 doanh nghiệp này đều có vốn chủ sở hữu rất lớn, nên việc đưa 2 doanh nghiệp này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cùng một thời điểm thì thị trường có thể sẽ khó hấp thụ và không đạt được lợi ích cao nhất cho Nhà nước.
Do vậy, Dự thảo Đề án đang đề nghị ưu tiên cổ phần hóa MobiFone trước, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ để phù hợp với tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước nêu tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg.
Với EVN, Dự thảo đề xuất phương án Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ phối hợp với EVN để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo và thu hút thêm sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong cùng lĩnh vực.
Nghiên cứu định hướng chuyển Trung tâm điều độ thuộc EVN về Bộ Công thương quản lý (vẫn đảm bảo quy định Nhà nước độc quyền trong lĩnh vực truyền tải điện) để thực hiện cổ phần hóa EVN trong thời gian tới, đảm bảo huy động nguồn lực tài chính và đổi mới quản trị doanh nghiệp.
Đặc biệt, Đề án cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung hình thức (thí điểm) thuê quản lý vận hành cụm nhà máy điện của EVN.
Cơ chế cho Viettel tập trung vào đề xuất hình thành Quỹ Phát triển công nghiệp quốc phòng từ nguồn lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sử dụng để phục vụ các hoạt động liên quan đến phát triển công nghiệp quốc phòng (sử dụng công nghệ cao, vật liệu mới, thuê chuyên gia, phục vụ xuất khẩu...).
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu hình thành Quỹ đổi mới sáng tạo, đầu tư mạo hiểm cho Viettel cũng được coi là một giải pháp quan trọng. Mục đích là tiếp tục thử nghiệm, điều chỉnh hoàn thiện sản phẩm và thương mại hóa để khai thác hết kết quả từ nghiên cứu khoa học và tạo ra những sản phẩm mới để nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của Viettel trong lĩnh vực này.
Dự thảo Đề án đang được lấy ý kiến rộng rãi.