Du lịch
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa
Phương Linh - 16/09/2023 08:09
Du lịch cộng đồng được người trong ngành nhận định là xu hướng có nhiều triển vọng, tạo sinh kế cũng như thay đổi tư duy làm kinh tế cho bà con ở những vùng miền còn khó khăn.
Khai thác những giá trị văn hóa bản địa sẽ giúp tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Thu hút khách bằng giá trị văn hóa

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch. Các địa phương đang đẩy mạnh việc làm mới sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa với đặc trưng ẩm thực và di sản, hay du lịch đô thị, du lịch nghỉ dưỡng…

Theo đó, du lịch sinh thái với nền tảng du lịch cộng đồng cũng là một trong những sản phẩm được nhiều địa phương tập trung phát triển, nhất là khi sản phẩm du lịch này góp phần lưu giữ được giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Phú Thọ là một trong những địa phương khai thác tốt du lịch cộng đồng. Những buổi trình diễn hát xoan - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận tại đình cổ Hùng Lô đã trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc.

Bà Lê Thị Xuân Hương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Phú Thọ cho biết: "Hùng Lô là một địa điểm không thể bỏ qua khi đến Phú Thọ. Ngoài trải nghiệm phong cảnh đồng quê, du khách còn được tham quan làng nghề, thưởng thức hát xoan”.

Cùng với những giải pháp đồng bộ, thì sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, gìn giữ sản phẩm nghề truyền thống, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch sẽ giúp các địa phương thành công khi phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Từ khi làng cổ Hùng Lô với đình cổ Hùng Lô được công nhận là một trong 2 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Phú Thọ, lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm tăng mạnh, với trung bình 3 đoàn khách châu Âu mỗi tháng.

Không chỉ được thưởng thức điệu hát xoan, các hoạt động truyền thống như gói bánh chưng không dùng khuôn tại nhà cổ, hay tham quan cơ sở sản xuất mì gạo cũng thu hút đông đảo du khách tới trải nghiệm.

Như vậy, việc gìn giữ các giá trị văn hóa, những lễ hội, phong tục, tín ngưỡng sẽ tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức hút lớn với khách du lịch. Mặt khác, hoạt động du lịch cũng là cầu nối hữu hiệu giúp quảng bá, phát huy giá trị di sản, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, từ đó giới thiệu hình ảnh, văn hóa đất nước tới bạn bè quốc tế. 

Việt Nam có lợi thế lớn là có tới 54 dân tộc anh em với những giá trị văn hóa bản địa khác nhau. Do đó, các lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, trang phục, nghề truyền thống và nhiều di tích lịch sử, danh thắng… của mỗi dân tộc sẽ có những nét độc đáo riêng biệt.

Có thể thấy, văn hóa truyền thống từ lâu đã trở thành nguồn lực để phát triển du lịch. Ngược lại, du khách cũng trở thành nguồn lực trong hành trình bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa ở cộng đồng.

Tạo sinh kế bền vững

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch khai thác nguồn tài nguyên có sẵn, cùng với sự tham gia của cộng đồng dân cư, những người trực tiếp thực hiện và hưởng lợi từ hoạt động du lịch.

Trên nhiều vùng miền của Việt Nam, hoạt động du lịch cộng đồng đã góp phần thay da đổi thịt đời sống của không ít cộng đồng cư dân. Với những điểm du lịch cộng đồng còn mới, việc phát triển bền vững đang được thực hiện thông qua nỗ lực thay đổi tư duy gắn liền với sinh kế người dân.

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, để du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững, trước tiên, cần một cộng đồng thực sự muốn tham gia làm du lịch, sẵn sàng làm du lịch. Sau đó là sự song hành, chung tay, cầm tay chỉ việc của chính quyền địa phương.

Mỗi địa phương cần xây dựng phương án lựa chọn loại hình sản phẩm làm định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Để làm được điều này, cần nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt…

Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch cộng đồng. Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế để thu hút vốn đầu tư phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

“Khi du lịch đạt được nguồn thu cơ bản ổn định sẽ tạo ra sinh kế bền vững và ngược lại. Câu chuyện giữa sinh kế và du lịch phải song hành cùng nhau mới tạo được sự bền vững cho phát triển du lịch cộng đồng”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Sau hơn 20 năm du nhập vào Việt Nam, du lịch cộng đồng ngày càng được mở rộng trên cả nước, trong đó, phát triển mạnh nhất là khu vực miền núi phía Bắc với Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn. Khu vực miền Trung  - Tây Nguyên có Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng. Khu vực miền Nam là các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long.

Thực tế cho thấy, du lịch cộng đồng không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho người dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ cảnh quan sinh thái, môi trường tự nhiên.

Tin liên quan
Tin khác