Du lịch
Phát triển du lịch di sản: Không chạy theo số lượng
Hồ Hạ - 24/12/2020 08:33
Du lịch di sản sẽ là “thỏi nam châm” hút du khách của Việt Nam. Trong quá trình phát triển, quan trọng nhất là bảo tồn các giá trị nguyên gốc, tránh chạy theo giá trị thương mại, số lượng.
Những năm gần đây, làn sóng đầu tư vào du lịch di sản tăng mạnh.

Nhiều địa phương bỏ ngỏ tiềm năng

Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh, trong đó, hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, cả nước có 117 bảo tàng. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tới 39 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, gồm 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 12 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới và 3 công viên địa chất toàn cầu.

Đây là tài nguyên du lịch quý giá, có sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách trong và ngoài nước. Minh chứng là, 2 năm liên tiếp (2019 và 2020), Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel khẳng định, hiếm có quốc gia nào sở hữu số lượng di sản khổng lồ và chính những di sản đó đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách quốc tế. “Nếu như trước đây, thế giới biết đến Việt Nam là quốc gia anh hùng trong chiến tranh, thì nay, các di sản như: Vịnh Hạ Long, Hoàng thành Thăng Long, đô thị cổ Hội An, cố đô Huế… là những “thỏi nam châm” thu hút du khách quốc tế, đưa Việt Nam trở thành điểm đến du lịch di sản hấp dẫn hàng đầu thế giới”, ông Đạt nhấn mạnh.

Những năm gần đây, làn sóng đầu tư vào du lịch di sản tăng mạnh, song so với tiềm năng, thì vẫn chưa tương xứng và thiếu tính bài bản, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Ông Lương Duy Doanh, CEO FiveStar Travel đánh giá, ngoài những di sản đã phát huy được giá trị và thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế, ở một số địa phương, tiềm năng này vẫn đang bị bỏ ngỏ. Đa số bảo tàng ở Việt Nam đơn thuần là nơi trưng bày hiện vật lịch sử, vắng khách du lịch. Điều đáng lo ngại là, một số di sản sau khi nhận danh hiệu di sản thế giới được đầu tư ồ ạt theo chiều hướng thương mại hóa, ít nhiều làm mất đi những giá trị nguyên gốc của di sản.

Khai thác hiệu quả và tạo bản sắc riêng

CEO AZA Travel cho hay, các công ty lữ hành thường đưa khách đến với những di sản hội tụ đủ 4 tiêu chí: tính hấp dẫn của di sản; khả năng tiếp nhận của di sản; các dịch vụ kèm theo và giao thông thuận lợi. Theo đó, muốn khai thác và phát triển du lịch di sản, yếu tố sống còn chính là công tác bảo tồn. Bởi những giá trị nguyên gốc của di sản tự bản thân nó đã là điều hấp dẫn du khách, giúp du khách thêm hiểu, thêm yêu những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam.

“Đây là bài toán khó. Nhà nước cần có nghiên cứu cụ thể về khả năng tiếp nhận của di sản. Một di sản tiếp nhận được 2 triệu khách, nhưng chúng ta đón 4 triệu người thì quá tải, dẫn đến di sản xuống cấp nhanh, thậm chí mất đi giá trị nguyên gốc. Đơn cử, phố cổ Hội An được bảo tồn rất tốt, nhưng khi đã nổi tiếng, lượng khách quá đông, du khách không còn cảm nhận được sự bình yên nơi đây, thay vào đó là những chen chúc, ồn ào”, ông Đạt phân tích. Qua đó, ông nhấn mạnh: “Phát triển du lịch di sản không nên chạy theo giá trị thương mại, số lượng, mà cần phát huy giá trị gắn với bảo tồn bền vững”.

Đồng quan điểm, ông Doanh cho rằng, bảo tồn di sản đôi khi chỉ đơn giản là cải tạo, nâng cấp hạ tầng bãi đỗ xe, công trình vệ sinh, trồng thêm cây, hoa…, không nên bê tông hóa, sử dụng vật liệu mới, can thiệp thô bạo vào di sản. Đồng thời, cần tạo những câu chuyện, bài thuyết minh hay để điểm tô thêm cho vẻ đẹp của di sản.

“Covid-19 khiến thị trường du lịch quốc tế đóng băng, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho các di sản để du khách nội địa thấy yêu thích, trân trọng những giá trị văn hóa, di sản của đất nước”, CEO FiveStar Travel nói.

Minh chứng là, trong năm 2020, Di tích Hoàng thành Thăng Long và Nhà tù Hỏa Lò đã khai thác tour du lịch đêm với những phần giới thiệu hay, kết hợp trình diễn ánh sáng, biểu diễn nghệ thuật, sắp đặt tiểu cảnh, ẩm thực hấp dẫn, tạo khác biệt nên rất hấp dẫn du khách. Đây là hướng đi đúng đắn mà các địa phương có thể học tập, nhưng cần tạo khác biệt, nếu na ná giống nhau, thì lại thất bại.

Ở góc độ nghiên cứu, TS. Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long khẳng định, phát triển du lịch di sản phải đảm bảo không để mất bản sắc, không được tận diệt, phải khai thác tài nguyên di sản đúng mức, vì di sản có tính đặc thù.

“Tài nguyên khác khai thác mãi có thể mất đi, nhưng với di sản, khai thác khéo thì càng gia tăng giá trị, khi nó được lan tỏa tới đông đảo người dân và du khách. Khai thác di sản như một tài nguyên du lịch chính là làm cho tài nguyên ấy giàu có hơn, giá trị di sản được nâng lên”, ông Chức nhấn mạnh.

Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa

Ngày 11/12/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3767/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa.

Đề án nhằm định vị thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực. Mục tiêu đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa chiếm 20% trong tổng số khoảng 130 tỷ USD tổng thu từ khách du lịch (tức khoảng 26 tỷ USD).
Tin liên quan
Tin khác