Đó là điều được ông Phạm Ngọc Thuỷ, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh chia sẻ trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn khi đánh giá sự phát triển của ngành du lịch Quảng Ninh - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Ông Phạm Ngọc Thuỷ, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh. |
Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành du lịch của tỉnh đã có sự phục hồi tốt phải không ông?
Đúng vậy! Nếu nhìn vào tổng lượng khách đến với Quảng Ninh thì có thể thấy ngay sự tăng trưởng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đón 8,86 triệu lượt khách, đạt 108% kịch bản, tăng 61% sovới cùng kỳ năm 2022.
Tổng thu từ khách du lịch đạt 16.660 tỷ đồng, tăng 56% cùng kỳ năm 2022. Trong đó khách quốc tế đạt 658.000 lượt, tăng gần 15 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường khách quốc tế hàng đầu của Quảng Ninh được xác định là Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Úc, Malaysia, Canada…
Đặc biệt, trong các tháng mùa hè, dòng khách đến với Quảng Ninh, đặc biệt là khách nội địa tăng mạnh. Riêng trong tháng 6, Quảng Ninh đã đón 1,76 triệu lượt khách. Bước sang đầu tháng 7, lượng khách tăng cao vào dịp cuối tuần. Như dịp cuối tuần vào ngày 8,9/7 vừa qua, các trọng điểm du lịch của tỉnh Quảng Ninh đón lượng khách tăng từ 10-20% so với tuần trước đó.
Ngoài ra, một số điểm đến miền Đông như Móng Cái, Bình Liêu, Cô Tô… đã ghi nhận sự tăng trưởng đột phá. Nhưng cũng có những vấn đề cần quan tâm. Như khi du khách tăng nhanh ở các địa phương này nhưng cơ sở vật chất lại chưa kịp phát triển tương xứng nên đã xảy ra tình trạng không đáp ứng đủ nhu cầu của du khách về cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, ...
Hay như điểm đến như Vân Đồn cũng đang được định hướng thành Khu du lịch quốc gia, nhưng đến hiện tại tiến độ đầu tư những cơ sở lưu trú chất lượng cao vẫn rất chậm. Đến nay, cả Vân Đồn chưa có khách sạn 4 sao nào được đưa vào hoạt động.
Vậy, ông đánh giá như thế nào về sự phục hồi này?
Theo tôi, có được sự tăng trưởng ấn tượng này, trong thời gian qua Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ đầu tư cơ sở, hạ tầng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đến quảng bá, xúc tiến du lịch. Mục tiêu là đảm bảo đón được không ít hơn 15 triệu lượt du khách trong năm 2023.
Trong đó, Quảng Ninh đã hoàn thiện đồng bộ tuyến cao tốc dài gần 200 km chạy dọc tỉnh với những cung đường có cảnh quan thiên nhiên xung quanh đặc sắc, ấn tượng; giúp du khách chỉ mất khoảng 1,5 giờ đồng hồ di chuyển từ TP Hạ Long đến Móng Cái, 3 giờ đồng hồ từ Hà Nội đến Móng Cái, thay vì thời gian gấp đôi như trước đây.
Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn khai thác thương mại với các đường bay nội địa đến thành phố Hồ Chí Minh, gần đây nhất là mở đường bay thẳng Quảng Ninh - Cần Thơ;
Quảng Ninh cũng vừa đưa vào sử dụng Bến cảng quốc tế Ao Tiên (huyện Vân Đồn) để khai thác hiệu quả lợi thế du lịch biển đảo của Vịnh Bái Tử Long và các huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô...
Cảng cao cấp Ao Tiên được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2023, tạo sự đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp về hạ tầng cảng phục vụ du lịch biển đảo của Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương. |
Tuy nhiên, để sự tăng trưởng của Du lịch Quảng Ninh được bền vững và tiếp tục có những kết quả ấn tượng mới thì câu chuyện ở đây không chỉ là những con số về tổng lượng khách hay doanh thu. Chúng ta cần phải có cái nhìn tổng quan, lâu dài. Chỉ nói ngay trong nước thôi, nhiều địa phương đang có sự đầu tư rất lớn cho ngành du lịch để tăng sức hấp dẫn điểm đến. Như vậy, về lâu dài, điều mà ngành du lịch Quảng Ninh cần quan tâm là tăng sức cạnh tranh của điểm đến.
Ông đã nhắc đến “sức cạnh tranh” của ngành du lịch Quảng Ninh. Vậy theo ông, đâu là lời giải để tăng sức cạnh tranh của du lịch Quảng Ninh và khẳng định đây là điểm đến quốc tế được du khách yêu thích?
Muốn tăng sức cạnh tranh thì phải gắn với bài toán phát triển sản phẩm. Các sản phẩm này phải mang lại những trải nghiệm, những cảm xúc nổi trội, khác biệt cho du khách để họ đến và muốn quay trở lại.
Trong năm 2023, Quảng Ninh đã đưa 38 sản phẩm du lịch mới vào khai thác. Tiêu biểu là các phố đêm, sản phẩm du lịch thể thao, vui chơi giải trí thuyền buồm trên Vịnh Hạ Long; xây dựng điểm check in Vịnh Hạ Long gắn với biểu tượng Di sản tại cầu vọng cảnh hang Đầu Gỗ; khám phá Khu trưng bày, giới thiệu giá trị địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long tại hang Đầu Gỗ...Cùng với đó là các hoạt động mới mẻ như Liên hoan các nhóm nhảy, Liên hoan âm nhạc đường phố, biểu diễn dân vũ, Hội chợ OCOP hè 2023...
Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận, đây mới chỉ là những sản phẩm mang tính dịch vụ nhỏ. Còn các sản phẩm du lịch đi kèm với đầu tư quy mô lớn thì chưa có sản phẩm nào được đầu tư mới và hoàn thiện trong vòng 2-3 năm qua.
Vịnh Hạ Long là một trong ba di sản của Việt Nam (cùng với Hội An và vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) vừa được Tạp chí du lịch Wanderlust của Anh đưa vào top các Di sản ấn tượng nhất Đông Nam Á để du khách ghé thăm. |
Nhưng câu hỏi là bao giờ ngành du lịch mới phục hồi đầy đủ để doanh nghiệp có thể lên kế hoạch cụ thể cho việc đầu tư? Hiện tại, bức tranh ngành du lịch đã có vẻ sáng hơn, nhưng nó vẫn chủ yếu là khách du lịch nội địa, khách quốc tế vẫn hạn chế. Theo thống kế của Tổng cục Du lịch thì hiện tại mới được gần 6 triệu khách, phấn đấu đến hết năm đạt 8 triệu lượt khách quốc tế. Nếu so con số này với năm 2019 đạt hơn 18 triệu. Như vậy còn chưa đạt 1/2.
Chúng ta cần phải có những dự báo, đánh giá tin cậy về sự phục hồi của ngành để có thể thu hút những nhà đầu tư vào phát triển sản phẩm. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể có vai trò định hướng trong phát triển sản phẩm, còn chủ thể chính của hoạt động này vẫn phải là các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Như tôi đã chia sẻ, bài toán lớn nhất của du lịch Quảng Ninh chính là phát triển sản phẩm. Dù chúng ta có làm công tác xúc tiến tốt đến đâu, có quảng bá hay đến thế nào mà khi du khách đến mà không được như kỳ vọng thì sẽ không thể giữ chân được du khách, họ không muốn quay trở lại.
Hiện Quảng Ninh đã ban hành và đang tổ chức thực hiện một số đề án, phương án trọng tâm như: Đề án thúc đẩy tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2023 trong lĩnh vực du lịch; Phương án thúc đẩy hoạt động du lịch dọc tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Đề án tổng thể quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô…
Du khách quốc tế thích thú trải nghiệm thăm quan vịnh Hạ Long. |
Nói cách khác, hành lang pháp lý để phát triển các sản phẩm du lịch mới đã có, nhưng Quảng Ninh cần có những cơ chế, chính sách, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn trong tiếp cận đất đai, giải quyết các vướng mắc để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm triển khai các dự án mới.
Mặt khác, đề án phát triển kinh tế đêm của tỉnh cũng cần được sớm hoàn thiện để có thể tạo ra những sản phẩm du lịch mới thực sự hấp dẫn cho du khách.
Thực sự, nếu sức cạnh tranh điểm đến của Quảng Ninh không được cải thiện mạnh trong thời gian tới thì sẽ là một vấn đề rất lớn. Thực tế, những hệ lụy nhãn tiền đã có, ví dụ như dòng khách Hàn Quốcđến Quảng Ninh cũng đã giảm tỷ trọng trong tổng thể khách đến Việt Nam và dịch chuyển sang các địa phương khác…