Phát huy thế mạnh
Huyện Cao Lãnh có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp với việc liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị tiêu thụ lúa, thủy sản. Cao Lãnh còn nổi tiếng với những vườn cây ăn quả đặc sản được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Phát huy thế mạnh trên, Cao Lãnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng kinh tế nông nghiệp, lấy tiêu chí chất lượng và hiệu quả làm thước đo. Huyện đã chuyển 609 ha đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, vượt 52,3% kế hoạch. Luân canh cây trồng tại các vùng sản xuất có điều kiện thuận lợi để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất. Thực hiện mô hình cánh đồng lý tưởng, sản xuất lúa giống liên kết tiêu thụ với Công ty Vina-Rice, đã giúp tăng thu nhập và lợi nhuận cho người sản xuất
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn từng bước được khôi phục. Hiện 95% doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã trở lại hoạt động bình thường. Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư được Cao Lãnh duy trì với nhiều hình thức linh hoạt, thích ứng tình hình mới. Trong năm 2021, đã có 31 doanh nghiệp thành lập mới, có 6 dự án đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động, 4 dự án được UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định cho thuê đất và 7 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Huyện đang kêu gọi đầu tư 2 dự án là trung tâm logistics và mở rộng chợ đầu mối trái cây tỉnh Đồng Tháp với quy mô 8,3 ha.
Năm 2021, Cao Lãnh có 11/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Tạo sức bật mới
Nhằm tạo nguồn lực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế nhanh sau dịch, khai thác hiệu quả vị thế tiềm năng của địa phương, Cao Lãnh đề ra 3 chương trình công tác trọng tâm, đó là: đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, giúp giảm chi phí và gia tăng giá trị, tạo năng lực mới trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển các loại hình du lịch cộng đồng kết hợp phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, xây dựng thương hiệu du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương.
Huyện phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp sinh thái để đáp ứng nhu cầu của thị trường và phục vụ du lịch. Nhân rộng các mô hình hay, mới, hiệu quả và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, giúp nông dân giảm giá thành, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, có khả năng cạnh tranh về giá, chất lượng, mẫu mã với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Tiếp tục xây dựng chuỗi ngành hàng trên cây ăn trái, gắn kết với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ. Xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông, lâm, thủy sản. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch và khởi nghiệp.
Về công nghiệp, thương mại và dịch vụ, huyện chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Ba Sao, quy hoạch và triển khai thực hiện các cụm công nghiệp Bình Hàng Trung, Quảng Khánh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng chợ đầu mối trái cây Mỹ Hiệp để kêu gọi đầu tư khu logistics, đưa doanh nghiệp tiêu thụ nông sản vào hoạt động.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc thù của huyện, tích cực tham gia các chương trình, hội nghị liên kết cung - cầu, để giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, kết nối đưa vào hệ thống phân phối của các siêu thị, cửa hàng tiện ích... Tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển du lịch của tỉnh, phát triển loại hình dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng dựa vào nông nghiệp để tăng thu nhập cho nông dân và tạo dựng hình ảnh nông nghiệp xanh, phát triển bền vững.
Cao Lãnh cũng huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chuẩn bị mặt bằng để thi công các công trình, dự án đúng tiến độ, nhất là đầu tư hạ tầng đô thị tại trung tâm thị trấn Mỹ Thọ xứng tầm đô thị loại IV, phát triển đô thị loại V xã Mỹ Hiệp.