Trong bài tham luận Xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Tầm nhìn, định hướng và mô hình phát triển tại Diễn đàn Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics Thành phố Đà Nẵng, PGS. TS Bùi Quang Bình (đại diện đơn vị tư vấn xây dựng đề án) cho biết, về cơ chế chính sách áp dụng cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Nghị quyết 136 đã quy định là áp dụng như các chính sách áp dụng đối với khu kinh tế và khu phi thuế quan.
PGS. TS Bùi Quang Bình cho rằng, tham vọng, mục tiêu đầu tiên của chúng ta đặt ra là tạo ra một cơ chế chưa từng có, một cơ chế phù hợp thông lệ quốc tế và tự do để thu hút đầu tư, phát triển.
“Trong xây dựng khu thương mại tự do này, nếu chúng ta xây dựng cơ sở hạ tầng, kêu gọi nhà đầu tư vào, dọn sẵn cái chúng ta có và mời họ vào thì tôi nghĩ là cần phải tiếp cận lại. Phải chăng chúng ta tìm được nhà đầu tư to vào, nếu họ bảo như thế này không được thì chúng ta lại phải “đẽo cày” lại, tức là phải theo họ”.
Cho nên trong cơ chế chính sách cho quy hoạch này, chúng ta nên “mở”, bởi nếu “đóng” sẽ rất khó thu hút. Trong điều kiện các doanh nghiệp logistics hiện tại trong nước về lực thì nhỏ, các doanh nghiệp nước ngoài đang ở Việt Nam thì làm sao thu hút họ đến, chúng ta phải có một cơ chế.
Về các giai đoạn hình thành các khu chức năng của Khu thương mại tự do Đà Nẵng, giai đoạn 1 là giai đoạn vận hành trước năm 2029; PGS. TS Bùi Quang Bình đánh giá đây là giai đoạn cực kỳ khó và yêu cầu thực hiện phải cực kỳ nỗ lực “vì không có mặt bằng sẽ không giải quyết được cái gì”.
Giai đoạn 2 là từ năm 2027 – 2028 và giai đoạn sau năm 2030 đây là giai đoạn hình thành khung chức năng thì “làm sao cần khẩn trương càng tốt bởi vì chúng ta càng chậm thì thời gian tạo ra thúc đẩy tăng trưởng càng chậm, cơ chế chính sách trễ đi rất nhiều”. Do đó, PGS. TS Bùi Quang Bình cho rằng rất may có Ban chỉ đạo phát triển ngành logistics Thành phố với vai trò tham mưu đẩy nhanh quá trình này.
PGS. TS Bùi Quang Bình cũng cho biết, xây dựng khu thương mại tự do bắt đầu từ rất nhiều điểm mạnh của Đà Nẵng. Một trong những điểm vô cùng quan trọng là lợi thế chiến lược, vị trí rất đắc địa của Đà Nẵng cộng với lực thành phố đang trong quá trình phát triển…Đây là những lợi thế vô cùng lớn.
Bên cạnh đó, TP. Đà Nẵng cũng có những hạn chế rất lớn. Đó là động lực phát triển của Đà Nẵng đang chậm dần mà một trong những nguyên nhân đó là quy mô cần thiết cho một đô thị phát triển chưa đạt đến. Đây chính là lý do để TP. Đà Nẵng rất nỗ lực để làm thế nào đó để tạo ra một động lực mới phát triển – chính vì thế đã đề xuất Trung ương và Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 136. Cơ hội phát triển cùa Đà Nẵng là khu thương mại tự do.
“Khu thương mại tự do cho phép Đà Nẵng vượt qua tầm giới hạn của không gian địa lý rất hạn chế để vươn tầm với một quy mô kinh tế không chỉ trong phạm vi miền Trung, cả nước mà vươn tầm quốc tế. Đây chính là tầm nhìn của Đà Nẵng. Muốn phát triển phải lấy thị trường rộng lớn như vậy để tạo ra động lực và xây dựng khu thương mại tự do”, PGS. TS Bùi Quang Bình nói.
Về tầm nhìn phát triển, tầm nhìn đến năm 2030 có sức cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á; đến năm 2040 vươn tầm châu Á, Thái Bình Dương, trung tâm tăng trưởng của thành phố; sau năm 2040 là tầm thế giới. Do vậy tầm nhìn của Khu thương mại tự do Đà Nẵng là vươn ra thế giới, coi thế giới là thị trường của chúng ta để phục vụ cho sự phát triển kinh tế TP. Đà Nẵng.
PGS. TS Bùi Quang Bình đại diện đơn vị tư vấn xây dựng đề án trình bày tham luận tại diễn đàn. |
PGS. TS Bùi Quang Bình cho biết, Khu thương mại tự do Đà Nẵng tập trung vào thương mại, dịch vụ, sản xuất gắn với Cảng biển Liên Chiểu đây là mấu chốt.
Nếu không gắn với Cảng biển Liên Chiểu thì không phải lợi thế của Đà Nẵng và tuyến Hàng lang Đông - Tây. Trong đó, tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, logistics rất quan trọng, tạo sự lan tỏa, cuối cùng tạo sự động lực trong sự phát triển dài hạn.
PGS. TS Bùi Quang Bình cho rằng đối với logistics phải thu hút được các "ông lớn" dịch vụ logistics nước ngoài vào Khu thương mại tự do Đà Nẵng. |
Về mô hình phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng, trên cơ sở tổng kết, đối chứng 6 khu thương mại tự do trên thế giới, mô hình của TP. Đà Nẵng sẽ là mô hình phức hợp, đa chức năng theo cơ chế liên thông khu trong khu. Từ kinh nghiệm các khu thương mại tự do trên thế giới thì không thể nào chuyên được mà phải đa chức năng; do đó mô hình phát triển của Đà Nẵng mang tính kế thừa, tính toán dựa trên điều kiện thực tế của Thành phố.
Mô hình của TP. Đà Nẵng sẽ có một số đặc điểm chức năng tích hợp logistics sân bay, cảng biển, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất, chức năng phụ trợ; cơ chế quản lý một cửa, một đầu mối với cơ chế “khu trong khu”; liên kết giữa các phân khu liên kết chặt chẽ giữa các ngành và khu vực, tạo hiệu ứng cộng hưởng; mục tiêu phát triển tăng cường phát triển vùng, quốc gia; hiệu ứng cộng hưởng thu hút đầu tư từ bên ngoài, lan tỏa phát triển kinh tế vùng và quốc gia; ưu đãi đặc biệt miễn thuế, hỗ trợ tài chính; khả năng mở rộng linh hoạt…
Định hướng phát triển ngành ưu tiên của Khu thương mại tự do Đà Nẵng gồm logistics (cố gắng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng căn cứ phát triển logistics); sản xuất; dịch vụ và thương mại. Đối với logistics, các công ty logistics lớn của thế giới như DHL, DB Schenker, CJ Logistics, FedEx, Agility, UPS và Aramex đều đã có mặt và cung cấp dịch vụ tại Đà Nẵng; PGS. TS Bùi Quang Bình cho rằng đều quan trọng là sao các công ty này mở rộng dịch vụ.