Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử - bán dẫn - vi mạch, phục vụ cho máy móc điện tử và chuyển đổi số, chúng ta đều thấy xu thế dịch chuyển nguồn cung ứng (supply chain) đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực.
5 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TP.HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ký kết Biên bản Hợp tác liên minh. |
Các tập đoàn công nghệ thế giới tìm đến những địa điểm phù hợp hơn để đặt cơ sở sản xuất, nghiên cứu. Hoa Kỳ là một cường quốc về công nghệ. Trong lĩnh vực bán dẫn, Hoa Kỳ cũng có những công ty dẫn đầu thế giới.
Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.
Dự kiến, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó chủ yếu yêu cầu nhân lực thiết kế vi mạch, hy vọng sẽ có đầu tư vào công nghiệp sản xuất.
Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.
Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người, theo giới chuyên ngành (đến từ các trường đại học kỹ thuật) thì nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm (phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế: 3.000 x 5 năm + 5.000 = 20.000), trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ).
Trong những năm qua Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - AI, Bigdata,…
Trong giai đoạn 2019-2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Ba lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hàng năm mạnh nhất là Máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), Công nghệ kỹ thuật (10,6%).
Các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch: Nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn: có các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu…;
Nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch: các ngành đào tạo phù hợp nhất là kỹ thuật điện tử, điện tử-viễn thông; các ngành gần bao gồm kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử…
Việc đào tạo có thể tuyển mới đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn - vi mạch.
Tuy nhiên, do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn - vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp Mỹ. Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng vào cuối năm nay 2 đề án quan trọng là Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch;
Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao.
Phát biểu tại sự kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây là lĩnh vực công nghệ cao, cần đầu tư cao, yêu cầu cao, kỳ vọng cao, người học có thể có lương cao nhưng phải đào tạo với tinh thần là chất lượng cao.
Và chúng ta cần thống nhất một điều “câu chuyện mới chỉ là bắt đầu, khó khăn còn chồng chất phía trước”. Công tác tuyển sinh, đào tạo phải dựa trên sự phân tích các dữ liệu có liên quan và phải có kế hoạch, lộ trình, bài bản và chắc chắn.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo các trường cần phải có các giải pháp đột phá. Đây là ngành mới, không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ; phải có cách làm, tầm nhìn thực sự mới mẻ.
Với các trường đủ quyết tâm chứng minh được khả năng của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng cho các trường tuyển sinh sớm.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng ban hành Thông tư và quy chế đặc biệt; quy chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, liên kết đào tạo, để sử dụng chương trình của nhau, sử dụng chương trình của nước ngoài…
Với các thành tố của đào tạo, các trường cần nghĩ đột phát hơn nữa, đừng quá rụt rè. Trách nhiệm của Bộ là tạo ra niềm tin, chỗ dựa pháp lý và chỉ đạo để các trường có thể thực hiện được.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết, về phía trách nhiệm của Bộ, sẽ chuẩn bị về thể chế, luật chơi, cái gì làm được sẽ làm ngay.
Trong đó, chủ trì xây dựng một kế hoạch để phát triển và sẽ có một bộ phận điều hành để có sự điều phối về cả nhân lực chung, cơ sở vật chất chung, thậm chí cần chia sẻ chương trình đào tạo với nhau để giảm bớt thời gian biên soạn chương trình.
Bộ cũng sẽ chỉ đạo để trong thời gian sớm nhất hoàn thành chuẩn chương trình đào tạo cho các nhóm ngành đào tạo này và các đơn vị tổ chức xây dựng chương trình, phê duyệt chương trình theo cơ chế đặc biệt. Nhưng phải đảm bảo niềm tin về chất lượng, không thể bỏ qua yêu cầu về chất lượng.
Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng cam kết đồng thời tăng cường chia sẻ và dùng chung, tăng cường cả các chương trình liên kết với nước ngoài, tăng cường chia sẻ doanh nghiệp về chỗ thực tập, thực hành, đóng góp. Doanh nghiệp tăng cường đặt hàng để đào tạo chắc chắn ngay từ đầu, tránh việc phải đào tạo lại.
"Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hệ thống điều tiết, cả dữ liệu về người học, giáo viên, chế độ chính sách để tiết kiệm nhất chi phí nguồn lực chuẩn bị của các cơ sở với hệ thống công - tư cùng đồng hành", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Trong khuôn khổ sự kiện, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TP.HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ký kết Biên bản Hợp tác liên minh.
Việc ký kết hợp tác này nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để sẵn sàng đảm bảo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045; thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để phát triển số lượng người học, tạo dựng đội ngũ chuyên gia về bán dẫn trong các cơ sở giáo dục đại học.