Chuyển động thị trường
Phát triển nhà ở xã hội: Nguồn vốn ưu đãi là hy vọng của người nghèo
Thúy Hiếu - 13/04/2019 13:37
Ông Nguyễn Văn Lý cho biết trong thời gian tới, chương trình cho vay nhà ở xã hội sẽ trở thành một trong những trụ cột trong các chính sách an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 355/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội với lãi suất là 4,8%/năm, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Dự kiến năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ bố trí trên 1.300 tỷ đồng để cho vay chương trình này.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Văn Lý đã chia sẻ với báo chí một số nội dung về nguồn vốn, lãi suất, chính sách ưu đãi về chương trình cho vay này.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội  năm 2019 là 4,8%. Theo ông, dựa trên cơ sở nào để đưa ra mức lãi suất này?

Từ ngày 1/4/2019 mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ trong năm 2019 để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 4,8%/năm.

Thực tế người vay bao giờ cũng muốn vay với lãi suất thấp. Với các chương trình cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội nói chung và chương trình cho vay nhà ở xã hội nói riêng nếu lãi suất thấp quá thì ngân sách Nhà nước phải bù lỗ nhiều.

Khi bù lỗ lớn sẽ gây áp lực ngược lại ngân sách và nguồn vốn bố trí cho vay có thể sẽ thấp đi và ít người được vay. Cho vay nhà ở xã hội là chương trình cho vay dài, Chính phủ cũng đã phê duyệt khung lãi suất cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến hết 2020, tối đa không vượt quá lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng do Nhà Nước chỉ định để cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100.

Hiện nay, lãi suất của các tổ chức tín dụng có tham gia cho vay nhà ở xã hội do Nhà nước chỉ định là 5%/năm nên chúng tôi tính toán đề xuất các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mức lãi suất cho vay năm 2019 là 4,8%/năm.

Lãi suất cho vay nhà ở xã hội được Chính phủ ban hành theo từng năm. Nhìn tổng thể, Ngân hàng Chính sách xã hội cho rằng lãi suất cho vay trong năm nay ở mức như vậy là hợp lý.

Người nghèo, người thu nhập thấp có nhu cầu mua, thuê mua, xây dựng, sửa chữa nhà ở thì nhận được ưu đãi nào khi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội không, thưa ông?

Ưu đãi đầu tiên là đối tượng vay vốn trong chương trình được hưởng ưu đãi về lãi suất so với lãi suất cho vay nhà ở xã hội của các ngân hàng thương mại.

Thứ hai, thời gian vay tối thiểu 16 năm và tối đa khoảng 25 năm để người dân có điều kiện tiết kiệm để trả nợ.

Thứ ba, người vay nhận được ưu đãi từ cách thức phục vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội. Chính sách được công khai, nhận được sự hướng dẫn, giám sát của hội, đoàn thể chính quyền địa phương trong việc vay vốn và không mất chi phí khi đi xác nhận tại địa phương. Trường hợp gặp rủi ro sẽ được xử lý theo quy định hiện hành như đối với các đối tượng chính sách khác.

Theo ông, so với các chương trình tín dụng cho vay nhà ở mà ngân hàng từng triển khai thì chương trình cho vay nhà ở xã hội lần này có điểm gì khác biệt?

Ngân hàng Chính sách xã hội đã từng triển khai các chương trình tín dụng liên quan như chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, cho vay nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ Đồng bằng Sông Cửu Long, cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung...

Điểm khác cơ bản là đối với cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100 không phải là một gói tín dụng mà đây là một chương trình dài, nguồn vốn không hạn định. Hằng năm, Chính phủ cân đối ngân sách để bố trí vốn sang Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay.

Bên cạnh đó, chương trình cho vay này còn thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước để thực hiện đảm bảo các tiêu chí về nhà ở trong công tác bảo đảm an sinh xã hội. Chúng tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, chương trình cho vay nhà ở xã hội sẽ trở thành một trong những trụ cột trong các chính sách an sinh xã hội.

Quy trình kiểm soát cho vay nhà ở xã hội được thực hiện như thế nào để nguồn vốn đến đúng đối tượng sử dụng, thưa ông?

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội có quy trình, thủ tục cho vay rõ ràng, bình xét cho vay từ dưới cơ sở, đảm bảo dân chủ, công khai thông qua chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn, trưởng thôn để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng.

Với trường hợp vay vốn để xây mới, cải tạo hoặc sửa chữa nhà, trước mỗi lần giải ngân theo tiến độ công trình chúng tôi đều tiến hành kiêm tra và nghiệm thu. Với cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, chúng tôi ký hợp đồng 3 bên với chủ đầu tư và người vay vốn để bản đảm trách nhiệm các bên.

Trong 5 năm, căn hộ đó không được bán sang nhượng, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng và đối tượng sử dụng đúng mục đích. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra thực tế và khắc phục ngay một số lỗi cơ bản liên quan đến giấy tờ, chữ ký đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho người vay vốn.

Giống các chương trình tín dụng khác, lo ngại về rủi ro là khó tránh. Ngân hàng Chính sách xã hội có lường trước và có giải pháp gì?

Hoạt động tín dụng luôn kèm rủi ro, chúng tôi cũng đã lường trước và trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động hàng kỳ nhằm bảo toàn nguồn vốn của Chính phủ. Hiện nay, nợ quá hạn thực hiện các chương trình cho vay của toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ chiếm 0,42% tổng dư nợ.

Đối với cho vay nhà ở xã hội chúng tôi cũng trích lập dự phòng. Nếu người vay gặp rủi ro, chúng tôi sẽ căn cứ mức độ rủi ro để xử lý công khai theo đúng quy định.

Xin cảm ơn ông!

Vấn đề lớn nhất hiện nay mà Ngân hàng Chính sách xã hội tổng hợp theo các kiến nghị của địa phương, các đoàn giám sát là cần phải tăng thêm nguồn vốn. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn đến năm 2020 tổng nhu cầu nguồn vốn này khoảng trên dưới 18.000 tỷ đồng, nhưng hiện nay nguồn vốn mới bố trí được hơn 2.000 tỷ đồng. Năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân gần 1.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2019, Chính phủ bố trí nguồn vốn 663 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động đối ứng thêm một nửa nữa là có tổng nguồn vốn 1.326 tỷ đồng.
Tin liên quan
Tin khác