Mô hình canh tác lúa của Công ty cổ phần Rynan Smart Fertilizers ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. |
Nhiệm vụ đặt ra cho những năm tiếp theo là phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững.
Sức bật mạnh mẽ cùng ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Câu chuyện tâm đắc mà ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Thường trực - Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mỗi khi trao đổi về nông nghiệp, nông thôn là ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Chương trình và sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Sau hơn 9 năm thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Trong đó, mục tiêu giai đoạn II (2016 - 2020) đã được hoàn thành sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao. Nhiều chỉ tiêu về sản xuất - kinh doanh, phát triển đạt con số kỷ lục so với trước đây, như chỉ tiêu về sản lượng lương thực, hàng hóa; chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản, hàng hóa; tỷ lệ độ che phủ rừng… Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người nông dân tăng cao; bộ mặt nông thôn được đổi mới, khang trang; mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng nhiều…
Thống kê cho thấy, năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,67%, cao nhất trong những năm gần đây. Giá trị sản xuất tăng 3,86%. Tỷ lệ che phủ rừng là 41,65%. Cơ cấu sản xuất từng lĩnh vực được điều chỉnh, chuyển đổi phù hợp theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng nhanh, đạt trên 98 triệu đồng/ha đất trồng trọt. Thu nhập vùng nông thôn đạt 35,9 triệu đồng/người/năm. Xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước tới nay, đạt 40,02 tỷ USD. Việt Nam đứng trong Top 15 thế giới và đứng thứ 2 trong khối ASEAN về xuất khẩu nông sản.
Xây nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, những năm qua, tăng trưởng trong ngành nông nghiệp đã có bước tiến quan trọng với những cột mốc mới. Tiến trình xây dựng nông thôn mới bước đầu gắn kết chặt chẽ hơn với việc cơ cấu lại ngành. Xây dựng nông thôn mới cũng tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn theo hướng nâng cao dần tỷ trọng phi nông nghiệp. Qua đó, tác động tích cực tới thu nhập và giảm nghèo vùng nông thôn.
Tuy nhiên, thành tựu trong xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều giữa các địa phương. Sản xuất nông nghiệp còn nhiều rủi ro, chưa bền vững. Theo thống kê, bên cạnh 2 mục tiêu cơ bản là số xã đạt chuẩn nông thôn mới và số tiêu chí nông thôn mới bình quân một xã đã vượt kế hoạch năm 2020 từ tháng 6/2019, thì kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 vẫn tồn tại một số hạn chế.
Đó là, kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn thiếu chiến lược hoàn chỉnh thúc đẩy kết nối với đô thị. Chiến lược phát triển bao trùm, trong đó có chiến lược đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới chưa được thể chế hóa. Vì thế, chưa thể khắc phục tình trạng gia tăng ngăn cách, chênh lệch giữa nông thôn và đô thị. Phát triển nông nghiệp, nông thôn còn thiếu gắn bó với phát triển công nghiệp, liên kết vùng, khu kinh tế động lực, với đô thị hóa và toàn cầu hóa. Kinh tế nông nghiệp chưa chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng kinh tế tổng hợp, kết nối với kinh tế phi nông nghiệp, dịch vụ, du lịch…
“Xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới có vai trò tích cực, tác động mạnh mẽ hơn đến xu thế phát triển nông nghiệp. Thông qua thúc đẩy tái cơ cấu ngành, tạo điều kiện phát triển sản xuất theo chiều sâu, đảm bảo sinh kế và thu nhập của người dân. Xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục tác động tích cực đến biến đổi toàn diện làng xã, nông thôn Việt Nam, cả kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cấu trúc dân cư, chuyển dịch lao động, kiến trúc, cảnh quan, môi trường, quản lý xã hội và phát triển văn hóa…,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.