Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả hợp tác vùng KTTĐ Bắc Bộ giai đoạn 2011 - 2016, Thông qua Kế hoạch điều phối vùng KTTĐ Bắc Bộ giai đoạn 2017 - 2020; Các Bộ, ngành Trung ương, Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong Vùng trình bày tham luận về các giải pháp nhằm đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả của hoạt động hợp tác trong Vùng.
Báo cáo tổng kết tại Hội nghị cho biết, giai đoạn 2011 - 2016, quan hệ hợp tác giữa các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ được tăng cường và có những bước phát triển mới.
Các địa phương trong Vùng có một số lợi thế như: về vị trí địa lý, 7 tỉnh thành tạo thành 1 trục phát triển men theo bờ biển, thuận lợi về giao thông; lợi thế về trình độ xếp thứ hạng cao so với cả nước, trong đó Hà Nội là đầu não về phát triển kinh tế, Hải Phòng thì có lịch sử phát triển lâu đời, là cửa ngõ thông ra biển Đông, các địa phương còn lại đều năng động.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư đáng kể, nhất là hạ tầng giao thông; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khác cũng đang phát triển so với các vùng khác. Nguồn nhân lực của Vùng cũng được đánh giá có trình độ cao, được đào tạo tốt, và nhiều lợi thế khác...
Tuy nhiên nhiều ý kiến cũng thẳng thắn thừa nhận, nhìn chung sự liên kết của các địa phương trong Vùng còn rời rạc, dường như tỉnh nào biết tỉnh đó; chưa có sự phát triển đột phá, do những khó khăn như: Chưa có cơ chế điều phối liên kết rõ ràng giữa các địa phương trong Vùng; không có bộ máy hành chính cấp Vùng; chưa có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau; thiếu quy hoạch phát triển Vùng mang tầm chiến lược... Từng Bộ, ngành, địa phương còn lập những quy hoạch riêng lẻ, quy hoạch cũng chưa xách định được thế mạnh các địa phương, các ngành...
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn đánh giá, Vùng KTTĐ Bắc bộ là nơi có nhiều cơ quan Trung ương, tập trung nhiều Khu công nghiệp lớn, nhiều dự án…, nhưng vùng KTTĐ Bắc Bộ có phát huy, tận dụng được hết tiềm năng, lợi thế của mình không thì chưa có câu trả lời thấu đáo.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sự phát triển toàn vùng vẫn còn nặng hình thức, danh nghĩa mà chưa đi vào thực chất. Cụ thể, vùng KTTĐ Bắc Bộ có 3 khó khăn chính: Đó là chưa có cơ chế điều phối, liên kết rõ ràng; Không có chính quyền hành chính cấp vùng, do còn tình trạng mạnh ai nấy làm; Thiếu quy hoạch phát triển vùng mang tính chiến lược, chưa xác định thế mạnh từng địa phương, tiểu vùng.
Để khắc phục khó khăn, thách thức cần sự tích cực, đồng thuận của các địa phương trong vùng, cụ thể hoá phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ, cụ thể hoá nhiệm vụ từng địa phương thành viên, tránh tình trạng dàn hang ngang, ai cũng làm 1 chút, không có trọng tâm trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Ký kết biên bản hợp tác kinh tế giữa các tỉnh |
Với sự đồng thuận của các tỉnh thành, hội nghị đã thông qua Kế hoạch điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó mục tiêu là khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế, cơ hội của từng địa phương và toàn Vùng trên nguyên tắc hài hoà về lợi ích, trách nhiệm và bình đẳng, cùng khai thác các cơ hội, lợi thế so sánh của vùng, cùng giải quyết các vấn đề chung của vùng. Qua đó góp phần khẳng định vai trò, vị trí của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là một trong những vùng dẫn đầu về phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững của cả nước…
Sau phần tham luận, các tỉnh, thành phố vùng KTTĐ Bắc Bộ biểu quyết bầu ra Chủ tịch Hội đồng vùng nhiệm kỳ mới (2017 - 2018). Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Vùng nhiệm kỳ 2017-2018. Hội nghị cũng thông qua và ký kết Kế hoạch điều phối vùng KTTĐ Bắc Bộ giai đoạn 2017-2020 và Biên bản Hội nghị hợp tác phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ năm 2016. 15 tỉnh, thành phố vùng KTTĐ Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô ký Biên bản hợp tác giai đoạn 2017 - 2020.