Bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm nội soi và phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết đây là trường hợp rất ít gặp vì số lượng polyp quá nhiều, bám chặt và dày đặc trong thành đại tràng với nhiều kích thước khác nhau.
Trước đó, bệnh nhân không có dấu hiệu quá bất thường nào, ngoài thỉnh thoảng đi tiêu phân lỏng. Trong quá trình nội soi, bác sỹ phát hiện rất nhiều polyp với nhiều kích thước khác nhau, trong đó nhiều polyp kích thước lớn > 2cm với cấu trúc bất thường, có chân rộng, không cuống. Ngoài những polyp cắt để sinh thiết, người bệnh vẫn còn hàng trăm polyp với đa dạng kích thước ở lòng đại tràng, trực tràng.
Nghi ngờ ác tính, bác sỹ tiến hành sinh thiết polyp đại tràng. Kết quả, người bệnh bị ung thư biểu mô tuyến xâm lấn độ 2 (xâm lấn đến lớp hạ niêm mạc), chưa xâm lấn mạch và thần kinh, phân loại polyp ung thư hóa giai đoạn 1.
Ảnh minh họa |
Bệnh nhân sau khi được gây mê nội khí quản, bác sỹ đưa dụng cụ nội soi vào ổ bụng, kiểm tra đại tràng lên góc gan ghi nhận khối u chưa xâm lấn thanh mạc. Bác sỹ tiếp tục mở phúc mạc dọc động mạch mạc treo tràng dưới, tiến hành gỡ và cắt động mạch treo tràng dưới sát góc, di động đại tràng bên trái và phần trên trực tràng.
Thực hiện cắt tuần tự, cắt động mạch, tĩnh mạch hồi manh tràng, đến mạch máu đại tràng giữa, mạc treo hồi tràng đoạn cuối, cắt hồi tràng cách góc hồi manh tràng 15 cm và cắt gần hết đại tràng chậu hông. Cuối cùng, bác sỹ nối hồi tràng với đại tràng chậu hông.
Trong lúc phẫu thuật, bác sỹ nhận thấy đoạn dưới trực tràng có nhiều polyp, tuy nhiên, nếu cắt hết trực tràng có thể gây rối loạn đại tiện, khiến người bệnh đi tiêu nhiều lần trong ngày, ảnh hưởng tới chất lượng sống. Do đó, bác sỹ tiến hành cắt polyp ở trực tràng thấp qua ngả hậu môn.
Hậu phẫu, bệnh nhân hồi phục tốt, có thể đi lại, ăn uống sau 2 ngày phẫu thuật và xuất viện sau 5 ngày. Bước tiếp theo, bệnh nhân tiếp tục nội soi cắt những polyp còn sót lại và nội soi định kỳ mỗi 6 -12 tháng để kịp thời phát hiện polyp mới nếu có.
Đa số polyp đại - trực tràng cho đến nay vẫn chưa xác định nguyên nhân rõ ràng. Nhiều nghiên cứu cho thấy polyp đại - trực tràng hình thành do đột biến gen làm tế bào phát triển không bình thường tạo thành polyp.
Do chế độ dinh dưỡng mất cân đối (ăn nhiều thịt đỏ), ít vận động, ăn ít chất xơ, người béo phì, nghiện thuốc lá, viêm đại tràng mạn tính… Bên cạnh đó, yếu tố di truyền cũng làm tăng nguy cơ mắc polyp đại - trực tràng.
Polyp đại tràng có 2 loại cơ bản, polyp tăng sản lành tính và polyp tuyến. Trong đó, polyp tuyến có nguy cơ cao phát triển thành ung thư. Ước tính có đến 90% các u đại trực tràng phát sinh từ các polyp tuyến. Tuy nhiên, bệnh khó phát hiện vì phần lớn không hoặc có triệu chứng nhưng không rõ rệt.
Để phát hiện sớm polyp đại trực tràng, điều quan trọng, cần khám sức khỏe định kỳ. Người bình thường cần tầm soát polyp và ung thư đại tràng bắt đầu từ tuổi 45.
Người có nguy cơ cao (như có người thân bị ung thư đại - trực tràng hay polyp tiến triển dưới 60 tuổi), việc tầm soát phải tiến hành sớm hơn (trước 40 tuổi). Đặc biệt, cần thăm khám ngay nếu có triệu chứng bất thường như rối loạn tiêu hóa kéo dài, thay đổi thói quen đi tiêu, mệt mỏi, giảm cân bất thường….
Các bác sỹ cho biết, ung thư đại trực tràng có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Hiện nay, hệ máy móc nội soi hiện đại, với công nghệ 4K sắc nét, độ phóng đại gấp hàng trăm lần, nguồn ánh sáng đặc biệt giúp phát hiện polyp, ung thư, viêm loét đường tiêu hóa từ giai đoạn sớm.
Đặc biệt, máy còn tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp cảnh báo polyp hoặc ung thư ngay khi nội soi, kể cả những sang thương nhỏ, phẳng dễ bị bỏ sót.