TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). |
Dù chưa có EVFTA và EVIPA, thì EU vẫn là một trong 6 thị trường xuất - nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thưa ông, Việt Nam còn trông đợi gì ở 2 hiệp định này?
EU là một trong 6 thị trường lớn nhất của Việt Nam cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Nhưng trên thực tế, hàng nhập khẩu từ Việt Nam còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm của EU, nên EVFTA chính là động lực để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa vào thị trường này, đặc biệt là những mặt hàng nước ta có thế mạnh và đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu như giày dép, dệt may, hải sản, máy tính và linh kiện, điện thoại…
Ở chiều ngược lại, EVFTA sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhập khẩu những loại hàng hoá có chất lượng cao phục vụ cho hoạt động sản xuất từ EU, đặc biệt là máy móc, thiết bị, tân dược, nguyên liệu dệt may, da giày, phương tiện vận tải…
Nhưng điều mà Việt Nam trông đợi hơn là thông qua việc thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA sẽ thúc đẩy tiến trình cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, vì nếu như các hiệp định thương mại tự do khác, Việt Nam chỉ cam kết thực thi một số lĩnh vực, thì trong CPTPP và EVFTA, Việt Nam cam kết thực thi toàn bộ 21 lĩnh vực từ thuế quan, quy tắc xuất xứ, dịch vụ tài chính, đầu tư… đến mua sắm công, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, giải quyết tranh chấp.
Một điều mà Việt Nam mong đợi nữa là khi thị trường EU rộng mở hơn sẽ gia tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, không chỉ các nhà đầu tư EU, mà cả nhà đầu tư ngoài EU.
Nhưng cái gì cũng có 2 mặt, thưa ông?
Khác với các FTA khác mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết, trong CPTPP và EVFTA, Việt Nam cam kết cả lĩnh vực sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, mua sắm công… Thực thi đầy đủ các cam kết về lao động, môi trường, chắc chắn chi phí sản xuất sẽ tăng, trong khi tiềm lực tài chính của doanh nghiệp có hạn thì việc thực hiện cam kết trong thời gian trước mắt là bất lợi cho doanh nghiệp. Hay như thực hiện cam kết về sở hữu trí tuệ trước mắt cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp vì sẽ phải trả chi phí không hề rẻ để đầu tư vào công nghệ, trong khi nếu không cam kết, thì doanh nghiệp có thể “copy” công nghệ của nước ngoài.
Nhưng về lâu dài, thực hiện các cam kết trên chính là động lực để nền kinh tế phát triển bền vững, kích thích sự sáng tạo của người Việt vì sở hữu trí tuệ được bảo hộ.
Các FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng thưa ông, trên thực tế sau hơn một năm CPTPP có hiệu lực, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài không được như mong muốn?
Nếu như hoạt động thương mại, thực hiện FTA, cắt giảm thuế quan gần như ngay lập tức kim ngạch xuất - nhập khẩu gia tăng, thì hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn có độ trễ. CPTPP mới thực thi được một năm nên chưa thể đánh giá được tác động của hiệp định này tới thu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nguyên nhân nữa là, khác với hoạt động đầu tư gián tiếp (FII), khi có biến động, ngay lập tức nguồn vốn này biến động, thì đầu tư trực tiếp nước ngoài bao giờ cũng lâu dài, thậm chí tới 50-70 năm, nên đòi hỏi nhiều yếu tố khác nữa, chứ không chỉ có FTA.
Ông có đặt nhiều kỳ vọng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng mạnh sau 2-3 năm thực hiện CPTPP và EVFTA?
Muốn thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư trực tiếp, đòi hỏi phải xây dựng được môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thực ra, nếu không có CPTPP và EVFTA thì trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đã liên tục sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới hệ thống pháp luật nhằm hoàn thiện, đổi mới thể chế. Kết quả đạt được trong việc hoàn thiện thể chế là thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vốn thực hiện và nguồn vốn gián tiếp liên tục tăng. Thu hút FDI là cả một quá trình hoàn thiện thể chế, kêu gọi đầu tư, giới thiệu, quảng bá về môi trường kinh doanh hấp dẫn, chứ không phải ký kết FTA là ngay lập tức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tăng ngay.
Như tôi đã nói, không phải vì CPTPP và EVFTA mà Việt Nam mới hoàn thiện thể chế, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, mà Việt Nam làm việc này vì sự đòi hỏi tự thân của nền kinh tế, là đòi hỏi của sự phát triển trong giai đoạn mới.
EU không chỉ ký FTA với Việt Nam, mà trong khu vực ASEAN họ đã ký với Singapore và chuẩn bị ký với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, khiến cuộc chiến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vô cùng khốc liệt, thưa ông?
Thu hút được vốn đầu tư nước ngoài vô cùng quan trọng, nhưng giữ được nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp lớn ở lại còn quan trọng hơn. Các ưu đãi về thuế, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ… chỉ có thể thu hút được nhà đầu tư nước ngoài nhưng khó lòng giữ chân họ được, khi các nước trên thế giới đua nhau ưu đãi và đều ký FTA với những đối tác lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Muốn giữ chân được nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn; kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ; hệ thống luật pháp ổn định, đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, thì còn cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường nội địa đủ lớn và ngày càng phát triển nhờ tầng lớp trung lưu ngày một tăng; hệ thống các doanh nghiệp nội địa đủ sức cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là đầu vào của doanh nghiệp FDI.
FTA chỉ là chất xúc tác ban đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài, nếu không đủ các điều kiện kể trên thì nhà đầu tư nước ngoài ra đi cũng nhanh như lúc đến.