Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. |
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa cho biết, tính đến chiều ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký các quyết định phê duyệt 12 Dự án thành phần Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 gồm: Bãi Vọt – Hàm Nghi; Hàm Nghi – Vũng Áng; Vũng Áng – Bùng; Bùng – Vạn Ninh; Vạn Ninh – Cam Lộ; Quảng Ngãi – Hoài Nhơn; Hoài Nhơn – Quy Nhơn; Quy Nhơn – Chí Thạnh; Chí Thạnh – Vân Phong; Vân Phong – Nha Trang; Cần Thơ – Hậu Quang và Hậu Giang – Cần Thơ.
Các dự án này được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026; nguồn vốn là từ Ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội; dự kiến kế hoạch vốn bố trí theo tiến độ thực hiện. Hình thức tổ chức quản lý dự án là áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực.
Đây là mốc nhiệm vụ rất quan trọng, chính thức kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và chuyển sang giai đoạn thực hiện Dự án.
Đươc biết, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022; gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.
Ngày 11/2/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan để tổ chức thực hiện; đồng thời Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm trưởng Ban; Ban Chỉ đạo duy trì chế độ giao ban hằng tháng.
Ngay khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án của Bộ triển khai lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra…; thực hiện khảo sát, thiết kế lập Báo cáo nghiên cứu khả thi 12 dự án thành phần.
Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng giải phóng mặt bằng và tích cực triển khai các nhiệm vụ liên quan. Bộ GTVT đã tổ chức nhiều đoàn công tác khảo sát thực địa, làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh, thành phố có dự án thành phần đi qua để thống nhất hướng tuyến dự án, các công trình trên tuyến, làm việc thống nhất với Bộ Quốc phòng về hướng tuyến liên quan đến các công trình, đất Quốc phòng.
Với cơ chế đặc thù mà Quốc hội và Chính phủ cho phép, Bộ GTVT đã triển khai đồng thời việc lập, bàn giao hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương, thống nhất với các địa phương về hồ sơ mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; đến thời điểm này các Ban quản lý dự án của Bộ đã bàn giao cho các địa phương hồ sơ, cắm cọc giải phóng mặt bằng của toàn bộ Dự án (đạt 100%).
Mặc dù khối lượng công việc rất lớn nhưng đến cuối tháng 6/2022, các cơ quan, đơn vị liên quan đã hoàn thành lập hồ sơ Dự án, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt toàn bộ 12 dự án thành phần; quá trình thực hiện đều tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.
Như vậy, tính từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến khi Bộ GTVT phê duyệt Dự án đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần là khoảng 6 tháng, rút ngắn được ½ thời gian so với các Dự án giai đoạn 2017 - 2020 được thực hiện theo những trình tự thủ tục thông thường. Tiến độ thực hiện hiện nay đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tổ chức triển khai lập thiết kế kỹ thuật các gói thầu xây lắp và triển khai các công việc liên quan để khởi công trước ngày 31/12/2022. Các địa phương tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phấn đấu bàn giao 70% diện tích giải phóng mặt bằng các gói thầu khởi công trước ngày 20/11/2022.