Theo Quyết định, quy mô lập quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Móng Cái là trên diện tích tự nhiên khoảng 121.197 ha, trong đó diện tích đất tự nhiên là 69.399 ha và diện tích mặt biển là 51.798 ha. Phạm vi lập quy hoạch theo ranh giới thành lập KKT cửa khẩu Móng Cái, bao gồm toàn bộ thành phố Móng Cái và một phần huyện Hải Hà, gồm: thị trấn Quảng Hà, các xã Quảng Minh, Quảng Thành, Cái Chiên và Quảng Phong.
KKT cửa khẩu Móng Cái được quy hoạch là KKT cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc); là trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp và cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đồng thời, là khu du lịch quốc gia có tính chất du lịch biển đảo, thương mại cửa khẩu; là đô thị biển hiện đại và bền vững; là khu vực có vị trí đặc biệt về chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh.
KKT cửa khẩu Móng Cái được quy hoạch là KKT cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ |
Dự báo đến năm 2030, có quy mô dân số khoảng 310.000 - 320.000 người (trong đó khu vực thành phố Móng Cái khoảng 210.000 - 215.000 người và các khu vực thuộc huyện Hải Hà khoảng 100.000 - 105.000 người); nhu cầu đất xây dựng khoảng 15.500 - 16.000 ha. Đến năm 2040, dân số tăng khoảng 460.000 - 470.000 người (trong đó khu vực thành phố Móng Cái khoảng 310.000 - 320.000 người và các khu vực thuộc huyện Hải Hà khoảng 150.000 người), trong đó bao gồm dân số quy đổi từ lượng khách du lịch khoảng 8-9 triệu lượt khách/năm; nhu cầu đất xây dựng khoảng 25.400 - 26.000 ha.
Mô hình cấu trúc của KKT cửa khẩu Móng Cái gồm 3 hành lang (gồm hành lang đô thị, dịch vụ dọc quốc lộ 18; hành lang du lịch, nông nghiệp và dịch vụ cảng; hành lang sinh thái và biên giới) và 2 vùng phát triển động lực là thành phố Móng Cái và Khu đô thị - công nghiệp cảng biển Hải Hà. Cấu trúc phát triển không gian chia thành 5 khu vực chính: Khu A - Khu trung tâm thành phố Móng Cái; Khu B - Khu vực Hải Hà; Khu C - Trung tâm dịch vụ tích hợp; Khu D - Khu vực du lịch biển đảo phía Nam; Khu E - Dịch vụ thương mại vùng biên và phát triển nông thôn mới.
Về định hướng phát triển hạ tầng kinh tế, đối với phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics gắn với cửa khẩu quốc tế, cảng biển, đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Bố trí khoảng 7.350 – 7.850 ha đất công nghiệp, gắn với Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà (rồn 4.988 ha), Khu công nghiệp Hải Yên (360 ha), Khu công nghiệp và dịch vụ logistics Vạn Ninh (1.500 – 2.000 ha), Khu công nghiệp Hải Hà 1 (750 ha), Khu công nghiệp Hải Hà 2 (720 ha); đất khu, cụm công nghiệp thuộc Khu hợp tác kinh tế khoảng 200 – 500 ha, các cơ sản xuất công nghiệp phân tán khoảng 150 ha.
Đối với phát triển thương mại thì gắn với các cửa khẩu, cặp chợ, lối mở song phương. Xây dựng khu hợp tác kinh tế thúc đẩy dịch vụ thương mại quốc tế và các dịch vụ thương mại cao cấp hỗ trợ phát triển dịch vụ du lịch. Phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ logistics gắn với các điểm nút giao đường cao tốc và ven biển hỗ trợ phát triển dịch vụ và tạo động lực phát triển đô thị...
Định hướng phát triển dịch vụ du lịch theo hướng phát triển đa dạng các cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch tập trung tại khu vực trung âm Móng Cái gắn với du lịch cửa khẩu, khu vực bán đảo Trà Cổ - Bình Ngọc và phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại các đảo Vĩnh Trung – Vĩnh Thực, Cái Chiên, Thoi Xanh với diện tích khoảng 1.500 – 1.800 ha.
Nông nghiệp được định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ hải sản tạo sản phẩm chất lượng cao và kết hợp dịch vụ du lịch.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, thực hiện phối hợp với Bộ Xây dựng công bố công khai đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040. Đồng thời, xây dựng, đề xuất cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính, nhân lực, thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.