Thời sự
Phê duyệt kế hoạch đào tạo nhân lực phát triển điện hạt nhân
Quang Hưng - 16/10/2015 17:45
Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đến năm 2020 phục vụ phát triển điện hạt nhân trong tương lai.
.

 

Theo đó, đối với nhân lực quản lý nhà nước, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng này bao gồm: Các nội dung về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế; thẩm định, đánh giá an toàn; cấp phép xây dựng, cấp phép vận hành; thanh tra an toàn, quản lý chất lượng, quản lý môi trường và thanh sát hạt nhân; công nghệ, an toàn lò phản ứng, nhà máy điện hạt nhân và các lĩnh vực kỹ thuật liên quan; các nội dung quản lý và kỹ thuật cần thiết về thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành, quản lý chất thải phóng xạ nhà máy điện hạt nhân.

Đối với nhân lực nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật, nội dung đào tạo, bồi dưỡng bao gồm: Khoa học và công nghệ hạt nhân, các lĩnh vực kỹ thuật về thiết kế, chế tạo, xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân; an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân; chu trình nhiên liệu hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ; ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.

Tháng 6/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án di dân, tái định cư của các Dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư hơn 3.235 tỷ đồng.

Trước đó, Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 & 2 hiện đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ phê duyệt địa điểm để lấy ý kiến các Bộ, ngành và Hội đồng Thẩm định Nhà nước. Song song với các dự án hạ tầng, chủ đầu tư cũng đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực với việc cử 235/325 sinh viên và 24 kỹ sư học chuyên ngành điện hạt nhân tại Nga và Nhật Bản.

Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua tháng 11/2009, dự án gồm hai nhà máy với công suất trên 4.000 MW. Công nghệ chính là lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò từ thứ ba trở lên, đã được kiểm chứng, đảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 200.000 tỷ đồng (tại thời điểm lập dự án, quý 4/2008).

 

Về hình thức và quy mô đào tạo, sẽ tổ chức bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn (dưới 3 tháng) và dài hạn (4 - 12 tháng) ở trong và ngoài nước ở các trình độ cơ sở, nâng cao và chuyên sâu cho nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật.

Cụ thể, đối với nhân lực quản lý nhà nước, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ở trình độ cơ sở và nâng cao cho 900 lượt người theo hình thức ngắn hạn và dài hạn ở trong nước; tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ở trình độ nâng cao cho 200 lượt người theo hình thức ngắn hạn ở nước ngoài; tổ chức bồi dưỡng, thực tập chuyên sâu dài hạn ở nước ngoài cho 40 lượt người.

Đối với nhân lực nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ở trình độ cơ sở và nâng cao cho 1700 lượt người theo hình thức ngắn hạn ở trong nước; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ở trình độ cơ sở về kỹ thuật hạt nhân và các kỹ thuật liên quan cho 450 lượt người theo hình thức dài hạn ở trong nước; tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ở trình độ nâng cao cho 370 lượt người theo hình thức ngắn hạn ở nước ngoài; tổ chức bồi dưỡng, thực tập chuyên sâu dài hạn ở nước ngoài cho 60 lượt người.

Tin liên quan
Tin khác