Với tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh. Người dân được hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao; hệ thống an sinh xã hội bền vững; dịch vụ trợ giúp xã hội đa dạng và chuyên nghiệp, kịp thời hỗ trợ và bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương. Các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp được giữ gìn, phát huy. Môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu tổng quát, đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thuỷ nội địa; trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Đô thị Hải Phòng ngày càng hiện đại. Ảnh: Quỳnh Nga |
Về kinh tế, tỷ trọng đóng góp GRDP của thành phố Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước đến năm 2030 đạt khoảng 6,8%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 tăng khoảng 13,5%/năm, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 15,3%/năm (công nghiệp tăng 15,8%/năm, xây dựng tăng 12,2%/năm); dịch vụ tăng khoảng 12,5%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 0,9%/năm.
Với cảng biển và dịch vụ logistics, xây dựng TP. Hải Phòng trở thành một trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại; cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics. Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu Khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới.
Về chuyển đổi số, là địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Chuyển đổi số toàn diện theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố dựa trên áp dụng công nghệ số, dữ liệu số. Phát triển mạnh kinh tế số, trước hết là ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của dân cư.
Trong phát triển du lịch, xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà - Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao; kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa; liên kết với các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới. Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, ưu tiên phát triển các ngành chủ lực có vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của thành phố, gồm: Sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin; Dịch vụ cảng biển và logistics; Thương mại. Phấn đấu 3 nhóm ngành này chiếm tỷ trọng khoảng 55 - 60% giá trị tăng thêm trên địa bàn thành phố vào năm 2030.
Khuyến khích nhóm ngành kinh tế có nhiều triển vọng phát triển như: kinh tế số; kinh doanh bất động sản; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; dịch vụ du lịch, văn hóa, nghệ thuật; dịch vụ y tế; dịch vụ giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao; điện gió ngoài khơi; xây dựng;...
Tiếp tục duy trì hợp lý, hiệu quả và bền vững các nhóm ngành khai thác thế mạnh đặc trưng truyền thống của thành phố như: sản xuất trang phục; sản xuất thiết bị điện; sản xuất máy móc, thiết bị; cơ khí tiêu dùng và cơ khí giao thông; chế biến nhựa, cao su; đóng mới và sửa chữa tàu biển;...
Ngày 10/11/2023, năm thứ 2 liên tiếp, cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng đón TEU thứ 1 triệu thông qua, điều này minh chứng cho thị trường cảng biển sôi nổi của phía Bắc. Ảnh: Thanh Tân. |
Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình tổ chức không gian phát triển “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các vành đai kinh tế, hành lang đô thị, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của thành phố, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển.
Đến năm 2025, thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định. Thực hiện việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện để mở rộng quận Hồng Bàng và thành lập quận An Dương, thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên (bao gồm toàn bộ đảo Vũ Yên).
TP. Hải Phòng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Đến năm 2030, hệ thống đô thị gồm: Khu vực nội thị (09 quận, trong đó có 07 quận hiện hữu: Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Kiến An, Đồ Sơn, Dương Kinh và 02 quận thành lập mới: An Dương, Kiến Thụy); 01 đô thị loại III (thành phố Thủy Nguyên, bao gồm toàn bộ đảo Vũ Yên); 04 đô thị loại IV; 06 đô thị loại V. Xây dựng thí điểm đô thị thông minh tại Thủy Nguyên và phát triển rộng ra các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Sau năm 2030, phát triển các huyện An Lão, Vĩnh Bảo và Tiên Lãng trở thành thị xã; huyện Cát Hải trở thành quận biển đảo.
Điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải để bổ sung đất phát triển công nghiệp, dịch vụ. Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha. Tập trung phát triển 14 khu công nghiệp đã thành lập theo hướng đồng bộ, thông minh, sinh thái cả về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Thành lập mới 20 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 7.700 ha. Khi thành lập đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, chỉ tiêu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phân bổ và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Phát triển 31 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.150 ha, đảm bảo sử dụng nguồn lực đất đai tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất gắn liền với bảo vệ môi trường.
Nghiên cứu xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo để hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) gắn với kinh tế hàng hải nhằm thu hút tổ chức và đội ngũ chuyên gia hàng hải đẳng cấp quốc tế. Xây dựng Trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Trung tâm R&D về công nghệ thông tin - phần mềm smart city (đô thị thông minh); Xây dựng mới các trung tâm R&D nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao ở các khu vực như: Bắc sông Cấm, Nam Đình Vũ, Văn Úc, Tiên Lãng,...