Bình Định luôn xác định nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng Ảnh: Nguyễn Dũng |
Giao thông đi trước một bước
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng nhiều lần nhấn mạnh, muốn tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư thì hạ tầng giao thông phải luôn đi trước một bước. Với quyết tâm đó, địa phương đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh có hơn 50 dự án giao thông được ưu tiên đầu tư, góp phần tạo nền tảng cho phát triển đô thị.
Cách đây 15 năm, cầu Thị Nại 1 đã nối Khu kinh tế Nhơn Hội với TP. Quy Nhơn. Đây là một trong những công trình nổi bật, mang ý nghĩa thúc đẩy kinh tế, là niềm tự hào của người dân đất võ. Và nay, khi tầm nhìn về quy hoạch được tỉnh Bình Định đẩy lên một bước, lấy đó là tiền đề để phát triển kinh tế hướng biển, thì những công trình hạ tầng khác cũng đang đi vào quỹ đạo để phát triển trong giai đoạn mới.
Trong 2 năm 2020 và 2021, Bình Định vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 của tỉnh tăng 3,61% so với năm 2019, dẫn đầu trong 5 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế tăng 2,06%, Đà Nẵng giảm 9,77%, Quảng Nam giảm 6,98%, Quảng Ngãi giảm 1,02%); đồng thời cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả nước (2,91%).
Năm 2021, dù đối mặt với nhiều thách thức do Covid-19, kinh tế tỉnh Bình Định vẫn đạt mức tăng trưởng 4,11%, cao hơn mức tăng của năm 2020. Tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 42.353,4 tỷ đồng, tăng 10,1%. Tổng thu ngân sách thu nội địa ước đạt 12.343,5 tỷ đồng, tăng 2,1%. Do đó, Bình Định đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2022.
Đó là cầu Thị Nại 2, kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; tuyến đường kết nối từ đường phía Tây (Đường tỉnh 638) đến đường ven biển (Đường tỉnh 639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ; tuyến đường kết nối với đường ven biển (Đường tỉnh 639) trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn; cầu qua sông Hà Thanh, thị trấn Vân Canh; tuyến đường nối Khu kinh tế Nhơn Hội đi Hải Giang… Bên cạnh đó, còn có 11 dự án bến xe, bãi đỗ xe cũng được Bình Định ưu tiên đầu tư.
Ngoài các dự án hạ tầng giao thông do địa phương đầu tư, thời gian tới, còn có nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khác của Trung ương được triển khai đi qua Bình Định, kỳ vọng tạo thêm động lực cho phát triển hệ thống đô thị. Trong đó, đáng chú ý là tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh.
Trước xu hướng phát triển đô thị cảng biển - kinh tế đêm, tỉnh Bình Định đã chọn Khu kinh tế Nhơn Hội để xây dựng đô thị cảng biển cũng như khai thác mô hình kinh tế đêm. Các chuyên gia đánh giá, Nhơn Hội sẽ là cực tăng trưởng quan trọng của TP. Quy Nhơn. Nơi đây được kỳ vọng trở thành đô thị cảng biển thịnh vượng và khai thác các hoạt động, dịch vụ đêm một cách quy củ, bài bản, đảm bảo an toàn để phục vụ tốt cho cả dân địa phương và khách du lịch.
Bức tranh tổng thể của Khu kinh tế Nhơn Hội đang dần hình thành, thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI, đón đầu sự tăng trưởng vượt bậc của lượng du khách trong nước và quốc tế, cũng như sự dịch chuyển dân cư và các chuyên gia nước ngoài đến làm việc, sinh sống và nghỉ dưỡng tại khu vực này.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, hạ tầng giao thông là yếu tố sống còn đối với bất kỳ thị trường bất động sản nào. Tại Bình Định, giao thông là hạng mục được đầu tư mạnh mẽ trong những năm gần đây để thu hút doanh nghiệp về địa phương làm ăn. Khi hạ tầng giao thông hoàn thiện, đô thị lõi TP. Quy Nhơn như mạch máu được nối liền với các hướng Đông, Bắc, Tây, Nam với Quốc lộ 19 mới, tuyến Tây Nam cửa ngõ đến Khu công nghiệp Becamex, trục kinh tế Nhơn Hội nối dài đến Cảng hàng không Phù Cát, tuyến ven biển Đề Gi…
Tuyến Quốc lộ 19 kết nối duyên hải miền Trung với Tây Nguyên và Tam giác phát triển CLV Ảnh: Nguyễn Dũng |
Tăng trưởng ghi điểm cộng
Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp không chỉ riêng tại Bình Định mà trên cả nước. Tháng cuối cùng của năm 2021, Tỉnh đã có cuộc “đánh giá trực tuyến” về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022.
Theo đó, năm 2021, trong bối cảnh đại dịch tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh, thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết, trong 19 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 4,11%, cao hơn so với năm 2020. Đáng chú ý, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, kinh tế Bình Định ghi nhận điểm sáng tích cực trong xuất khẩu, với tổng kim ngạch cả năm ước đạt 1,33 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước ước đạt 13.676,9 tỷ đồng, vượt 29,5% dự toán năm và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sẵn sàng tâm thế bước vào năm 2022, Bình Định xác định phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19; tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện đồng bộ các giải pháp kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Năm 2022, Bình Định đặt chỉ tiêu công nghiệp tăng 6,5-7%, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 66,3 triệu đồng/năm. “Bình Định sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn, có tầm nhìn dài hạn, thay đổi tư duy để chủ động bắt tay vào hành động, hoạch định tương lai cho địa phương phát triển bền vững hơn nữa”, ông Nguyễn Phi Long nói.
Diện mạo hạ tầng của Bình Định đang bước sang một trang mới, trụ cột mà tỉnh hướng tới chính là công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa… Đồng thời, lấy cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển cực tăng trưởng phía Bắc làm các khâu đột phá. Từ đó, phấn đấu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2020 - 2025 đạt 7 - 7,5%/năm.
Một yếu tố nữa trong câu chuyện dịch chuyển dòng vốn đầu tư là việc kết nối hạ tầng tại địa phương. “Đầu tư sẽ chết nếu không có giao thông. Bình Định đang cho thấy sức bật mạnh mẽ trong việc quy hoạch hạ tầng và điều này đã khiến địa phương trở thành một tâm điểm mới trên thị trường bất động sản”, TS. Trần Du Lịch đánh giá.
Khi những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” về ngày một đông, Bình Định đang phát huy mọi nguồn lực để thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông sớm hoàn thiện. Việc này sẽ mở ra một hành lang kinh tế Đông - Tây mới, kéo gần Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam Trung bộ, liên kết xuyên Á để tạo đà bứt tốc.