Hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái (TP.HCM). Ảnh: Lê Quân |
Hàng hóa chuyển hướng sang các tỉnh lân cận
Đầu tháng 7/2024, một loạt doanh nghiệp cảng thủy nội địa và cảng cạn trên địa bàn TP.HCM cùng ký vào Văn bản số 124/ICD gửi UBND và HĐND TP.HCM, kiến nghị xem xét lại việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Thành phố (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển). Các doanh nghiệp kiến nghị xem xét lại mức phí này là vì sau 2 năm thực hiện, thực tế cho thấy có nhiều vấn đề vướng mắc.
Vấn đề đầu tiên được doanh nghiệp chỉ ra là sản lượng hàng hóa, cùng các dịch vụ hậu cần logistics tại TP.HCM bị sụt giảm khoảng hơn 30% so với thời điểm trước khi thu phí hạ tầng cảng biển và xu hướng giảm ngày càng nhiều hơn, rõ nét hơn. Ngược lại, cũng trong khoảng thời gian này, các tỉnh, thành phố lân cận có sự gia tăng đột biến về sản lượng hàng hóa và tăng thu ngân sách trong 2 năm gần đây do không thu phí hạ tầng cảng biển như TP.HCM, nên có lợi thế cạnh tranh lớn.
Điều đó dẫn đến, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, vận tải, giao nhận, dịch vụ hậu cần... trước đây từng sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp TP.HCM, thì nay chuyển luồng hàng về các cảng thủy nội địa tại những địa phương lân cận rồi kết nối và vận chuyển ra các cảng biển nước sâu để không phải đóng phí hạ tầng cảng biển như ở TP.HCM.
Không những vậy, doanh nghiệp cảng thủy nội địa và cảng cạn dẫn số liệu của cơ quan chức năng công bố cho thấy, việc sụt giảm khối lượng hàng hóa đã làm cho số thu phí hạ tầng cảng biển thực tế thấp hơn khoảng 30% so với Đề án lập ra. Điều này được chứng minh rõ nét khi năm 2023 là năm đầu tiên, số thu thuế xuất nhập khẩu của ngành hải quan TP.HCM không đạt chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Tương tự, trong quý I/2024, hoạt động xuất nhập khẩu tại Thành phố sụt giảm về cả tỷ lệ phần trăm và giá trị tuyệt đối trên hầu hết mọi tiêu chí như số lượng doanh nghiệp làm thủ tục hải quan, số lượng tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu, tình hình thực hiện số thu ngân sách nhà nước so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, việc thu phí hạ tầng cảng biển khiến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cảng thủy nội địa và cảng cạn sụt giảm, các chỉ số về kinh tế tài chính gặp nhiều khó khăn khi không đạt kế hoạch đề ra và thấp hơn 15 - 20% so với các năm trước đây. Hơn thế, doanh nghiệp phải cắt giảm khoảng 25% lực lượng lao động cơ hữu, không sử dụng lao động thời vụ… kéo theo công ăn việc làm và thu nhập của hàng ngàn người lao động bị ảnh hưởng.
“Trong các năm vừa qua, việc áp dụng chính sách thu phí hạ tầng cảng biển đang bào mòn tiềm lực của doanh nghiệp, hạn chế khả năng tích lũy nguồn lực để đầu tư, phát triển mở rộng sản xuất”, Văn bản số 124/ICD nêu.
Do vậy, các doanh nghiệp cảng thủy nội địa, cảng cạn khu vực TP.HCM kiến nghị HĐND và UBND TP.HCM xem xét tình hình thực tế hiện nay để có chính sách điều chỉnh miễn giảm phí hạ tầng cảng biển. Doanh nghiệp cũng cho rằng, Thành phố cần vận dụng các giải pháp linh hoạt, kết hợp với những cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 để thu hút và khôi phục lại luồng tuyến hàng hóa, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Nhiều bất cập chưa được giải quyết
Việc thu phí hạ tầng cảng biển không chỉ khiến lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại TP.HCM sụt giảm, mà nhiều bất cập liên quan đến việc thu phí cũng chậm được giải quyết.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Phạm Thị Phú Mỹ, đại diện Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam cho biết, doanh nghiệp chuyên nhập nguyên phụ liệu để sản xuất, sau đó xuất khẩu 100% ra nước ngoài. Theo yêu cầu của khách hàng, phía đối tác đã gửi cho Công ty Yazaki EDS Việt Nam các loại bao bì đóng gói, pallet nhựa, nắp nhựa, miếng lót bằng nhựa… dùng đóng gói thành phẩm xuất khẩu và được tái sử dụng nhiều lần. Sau đó, doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan hải quan về loại hình khai báo tại Quyết định 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2021.
“Theo quy định, mặt hàng không nhằm mục đích kinh doanh theo hình thức tạm nhập tái xuất, mà chỉ dùng để đóng gói thành phẩm xuất khẩu thì không thuộc trường hợp đóng phí hạ tầng cảng biển. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bị yêu cầu đóng phí”, bà Mỹ phản ánh.
Ngày 20/10/2023, doanh nghiệp nhận được thông báo từ Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM, yêu cầu đóng phí hạ tầng cảng biển đối với mặt hàng bao bì đóng gói với mức phí 4,4 triệu đồng/container 40 feet; 2,2 triệu đồng/container 20 feet.
Nhận thấy mức phí mà Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM yêu cầu đóng không phù hợp với tình trạng hàng hóa của công ty, tháng 10/2023, Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam gửi văn bản đến các cơ quan chức năng của TP.HCM để xem xét giải quyết.
Tuy nhiên, đến ngày 27/6/2024, tức là hơn nửa năm, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM mới gửi giấy mời cho Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam đến làm việc vào ngày 9/7/2024. Sau buổi làm việc, bà Phạm Thị Phú Mỹ thông tin, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM nói rằng, những bất cập doanh nghiệp phản ánh đã trình HĐND Thành phố xin điều chỉnh mà chưa có kết quả. Phía Cảng vụ yêu cầu doanh nghiệp đóng phí trước, song doanh nghiệp không đồng ý.
Trước những bất cập mà doanh nghiệp phản ánh, mới đây, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đã kiến nghị Thường trực HĐND TP.HCM xem xét giảm phí hạ tầng cảng biển.
Trong đó, đề xuất giảm phí đối với hàng quá cảnh; hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập là 3%; giảm phí đối với hàng trung chuyển; hàng gửi vào kho ngoại quan; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là 26,5%. Đồng thời, đề xuất giảm 50% mức phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy.