Tài chính - Chứng khoán
Phiên 11/12: Tháo chạy
Thanh Huyền - 11/12/2013 16:18
Lực xả hàng ồ ạt, nhất là ở các mã đầu cơ khiến thị trường giảm mạnh, nếu không có “má phanh” VNM, thị trường sẽ còn lao dốc mạnh hơn.

Đúng như dự đoán của các công ty chứng khoán, thị trường không có thông tin hỗ trợ, giao dịch chủ yếu phụ thuộc vào việc đảo danh mục các quỹ ETF trong những phiên gần đây đã không mang lại lực đỡ trong phiên giao dịch hôm nay, khiến thị trường lao dốc không phanh.

Áp lực bán với ý đồ tháo chạy được bộc lộ khá rõ, nhất là ở các mã đầu cơ tăng nóng như VNH, VHG, MCG, KMR, UDC… Tuy nhiên, vẫn có một số “thế lực” nào đó không muốn thị trường quá hoảng sợ, nên đã dùng VNM để hãm phanh đà lao dốc của thị trường.

Cụ thể, khi bước vào phiên giao dịch chiều, lực bán xối xả khiến VN-Index lao dốc, lùi dần về mốc 500 điểm. Tuy nhiên, ngay tức khắc lực đỡ bắt đầu được đưa vào và VNM chính là “má phanh” tốt để hãm đà lao dốc của thị trường, tránh tâm lý hoảng loạn và tháo chạy đồng loạt của nhà đầu tư.

Kết thúc phiên, VNM tăng 1.000 đồng (0,71%), lên 141.000 đồng/cp. Tuy nhiên, thanh khoản yếu, chỉ đạt 184.000 đơn vị.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/12, chỉ số VN-Index giảm 6,29 điểm (-1,23%) xuống 505,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 103,5 triệu đơn vị, trị giá 1.409,23 tỷ đồng, tăng đến 35,6% so với phiên hôm trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt gần 2 triệu đơn vị, trị giá 40,83 tỷ đồng.

Nhóm VN30, ngoài PGD và HSG giữ được đà tăng của phiên sáng, có thêm sắc xanh từ VNM, nhưng có đến 25 mã giảm giá, khiến chỉ số VN30-Index cũng giảm mạnh đến 6,44 điểm (1,13%).

Những mã giảm mạnh nhất trong nhóm phải kể đến như PPC (-4,7%); PVT (-3,9%); REE (-2,97%); VCB (-1,8%); BVH (-2,74%)… Riêng đối với MSN, việc được cơ cấu trong danh mục của FTSE kỳ này đã giúp cổ phiếu này tăng nóng trong phiên 9/12, kỳ vọng việc mua mạnh từ khối ngoại, nhưng trong những phiên gần đây khối này vẫn chưa có một động thái gì, MSN chốt phiên giảm 2.000 đồng (-2,28%).

Về thanh khoản, FLC và ITA là 2 mã dẫn đầu với khối lượng khớp được đạt lần lượt 6,96 triệu và 6,53 triệu đơn vị. Tuy nhiên, FLC đã chấm dứt sóng tăng quay về mốc tham chiếu và không có biến động về giá trong suốt phiên giao dịch chiều.

Cùng chung diễn biến như HOSE, HNX cũng bị bao chùm bởi sắc đỏ. Hầu hết những cổ phiếu đầu cơ đều giảm điểm, như VND (-0,97%); VCG (-1,88%); SHB (-1,4%); SCR (-4,28%); KLS (-1,11%); ACB (-0,64%)… Đặc biệt, trong nhóm HNX30, DCS giảm sàn trong đợt khớp lệnh đóng cửa, với lượng dư mua sàn trên 305.000 đơn vị.

Được dự đoán sẽ bị loại khỏi V.N.M ETF trong kỳ điều chỉnh vào ngày 14/12 tới, PVX cũng chịu áp lực bán ra mạnh, cổ phiếu này giảm 4,16%, hiện giao dịch tại mức giá 2.400 đồng/cp, khối lượng giao dịch được đạt 1,28 triệu cổ phiếu.

Kết thúc phiên, chỉ số HNX-Index giảm 0,57 điểm (-0,86%) xuống 65,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,6 triệu đơn vị, tương đương giá trị 404,8 tỷ đồng, tăng 11,68% về khối lượng và tăng 48,45% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1,86 triệu đơn vị, trị giá 13,69 tỷ đồng.

Với 3 mã tăng, 2 mã đứng giá và 24 mã giảm giá, HNX30 là chỉ số giảm mạnh nhất trong nhóm chỉ số trên sàn HNX, với mức giảm 1,86%. Một số chỉ số khác cũng đều giảm điểm như HNXFF giảm 0,62%; LARGE giảm 0,9%...

Toàn sàn có 103 mã tăng, 97 mã đứng giá và 364 mã giảm điểm, trong đó, HOSE có 33 mã giảm sàn và 18 mã giảm sàn trên HNX.

Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam giảm 4,72 điểm (-0,94%), xuống 494,85 điểm.

Khối ngoại mua vào 71 mã trên HNX với khối lượng 2,25 triệu đơn vị và 96 mã trên HOSE với khối lượng 3,95 triệu đơn vị. đồng thời bán ra 21 mã với khối lượng là 1,67 triệu đơn vị.

Trước đó trong phiên sáng, dù lực mua thận trọng, nhưng do lực bán không quá mạnh, nên thị trường chỉ giảm nhẹ đầu phiên. Tuy nhiên, đà giảm dần tăng khi một số mã bluechip có vốn hóa lớn mất điểm.

Thị trường chỉ còn được hỗ trợ bởi một vài mã có thông tin khả quản như CII, HSG.

Báo cáo kết quả kinh doanh trong 2 tháng đầu niên độ 2013 -2014 của HSG giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên, giai đoạn 2 của nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ sẽ đi vào hoạt động trong năm 2014 (sớm hơn dự kiến 1 năm), nâng công suất của HSG lên gần 1 triệu tấn/năm, kỳ vọng sự tăng trưởng mạnh trong năm tới.

Điều này giúp HSG trở thành một trong số ít mã trong nhóm VN30 duy trì đà tăng tốt, có lúc leo lên mức 44.000 đồng/cổ phiếu, tăng 1.100 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc phiên, HOSE giảm 4,36 điểm (-0,85%) xuống 507,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 55 triệu đơn vị, tương đương 738,39 tỷ đồng.

Nhóm VN30, với lực đỡ của 2 mã tăng là PGD và HSG, 3 mã đứng giá và có đến 25 mã giảm điểm, chỉ số VN30 giảm 4,84 điểm.

HNX-Index cũng giảm 0,66%, xuống 65,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,4 triệu đơn vị, tương đương giá trị 214,8 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 1,12 triệu đơn vị, trị giá 7,77 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30 có 3 tăng điểm, 5 mã đứng giá và 20 mã giảm điểm, chỉ số HNX30-Index giảm 1,49 điểm (-1,19%).

Tin liên quan
Tin khác