Ở phiên hôm qua (ngày 31/1), chỉ số VN-Index cũng đã có thời điểm bị đẩy lùi về sát mốc 1.100 điểm và đã bật mạnh lên nhờ lực cầu hấp thụ khá tốt, tuy nhiên thị trường không thoát khỏi phiên giảm nhẹ trước áp lực bán gia tăng trên diện rộng, đặc biệt là việc điều chỉnh của nhiều mã bluechip và vốn hóa lớn.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tiên của tháng 2, VN-Index nhanh chóng lấy lại sắc xanh nhờ sự dẫn dắt của một số mã lớn, tuy nhiên lực cung giá thấp vẫn khá lớn trong khi dòng tiền tham gia có phần thận trọng hơn sau những nhịp rung lắc mạnh khiến thị trường quay đầu đi xuống. Chỉ số VN-Index có thời điểm mất tới 20 điểm và đã thu hẹp đà giảm về cuối phiên nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng.
Dòng tiền vẫn tham gia khá tốt khi bước sang phiên giao dịch chiều đã giúp thị trường bật mạnh lên, chỉ số VN-Index tiến sát mốc tham chiếu sau hơn 30 phút giao dịch.
Tuy nhiên, áp lực bán thường trực dâng cao đẩy hàng trăm mã rơi xuống dưới mốc tham chiếu. Thị trường chìm trong sắc đỏ, trong đó các mã bluechip cũng đua nhau giảm mạnh khiến các chỉ số đều giảm sâu.
Sau hơn 30 phút giao dịch, trên sàn HOSE có tới 201 mã giảm và chỉ 81 mã tăng, còn số mã giảm trên sàn HNX (107 mã) cũng gấp hơn 2 lần số mã tăng (52 mã). Chỉ số VN-Index mất tới gần 14 điểm, trong khi HNX-Index cũng giảm gần 2% lùi về mốc 123 điểm.
Dù có chút thu hẹp biên độ giảm nhưng gánh nặng từ nhóm cổ phiếu bluechip cùng sắc đỏ lan tỏa khiến thị trường không tránh khỏi phiên giảm sâu.
Đóng cửa, sàn HOSE có 209 mã giảm và 80 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 10,69 điểm (-0,96%) xuống mức 1.099,67 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 268,93 triệu đơn vị, giá trị 7.120,29 tỷ đồng, giảm 23,32% về lượng và 27,78% về giá trị so với phiên hôm qua.
Giao dịch thỏa thuận có đóng góp 35,97 triệu đơn vị, giá trị 1.146,24 tỷ đồng, trong đó DIG thỏa thuận 6 triệu đơn vị, giá trị 135,9 tỷ đồng; EIB thỏa thuận hơn 12 triệu đơn vị, giá trị 174,44 tỷ đồng; MBB thỏa thuận 5,48 triệu đơn vị, giá trị 186,8 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 1/2 |
Trong nhóm VN30 chỉ còn điểm xuyết một số mã tăng nhẹ như CTG, NVL, PLX, VIC, đáng kể là màn bứt phá ngoạn mục của cổ phiếu MWG. Mặc dù trong gần hết thời gian giao dịch, MWG đứng dưới mốc tham chiếu nhưng cổ phiếu này đã đảo chiều và tăng tốc trong 30 phút cuối phiên, với mức tăng 6,9% lên mức giá trần 134.200 đồng/CP.
Trái lại, cặp đôi tỏa sáng trong phiên hôm qua khi cùng “dắt tay nhau” tăng trần về cuối phiên là GAS và ROS lại có màn rơi mạnh ở phiên hôm nay. Trong đó, GAS giảm 1,9% xuống mức 122.200 đồng/CP và khớp 1,18 triệu đơn vị; còn ROS giảm 5,6% xuống mức 164.600 đồng/CP và khớp 1,23 triệu đơn vị.
Ngoài ra, nhiều mã bluechip và vốn hóa lớn khác cũng đua nhau giảm như VNM, BID, VJC, SAB, VRE, BVH, HPG…
Cổ phiếu STB tiếp tục có phiên giảm sâu thứ 2 sau 4 phiên tăng mạnh cuối tháng 1. Với mức giảm 3,4%, cổ phiếu STB kết phiên tại mức giá 15.700 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh hơn 26 triệu đơn vị, duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, các mã cũng đua nhau giảm sâu như SCR giảm 2,46% xuống mức 11.900 đồng/CP, DXG giảm 3,3% xuống mức 29.500 đồng/CP, ITA giảm 4,1% xuống mức 3.250 đồng/CP…, thậm chí các mã HAI, KBC, VHG giảm kịch sàn.
Sàn HNX cũng chìm trong sắc đỏ với mức giảm 2,75% (-2,18%), chỉ số HNX-Index kết phiên tại mức 123,15 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 102,67 triệu đơn vị, giá trị 1.652,81 tỷ đồng, tăng 12,82% về lượng và đạt xấp xỉ giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,86 triệu đơn vị, giá trị 109,67 tỷ đồng, trong đó SHB thỏa thuận 7,92 triệu đơn vị, giá trị gần 99 tỷ đồng và PVL thỏa thuận 3,4 triệu đơn vị, giá trị 7,13 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 là gánh nặng chính đẩy thị trường lao dốc. Với 12 mã giảm và chỉ 2 mã tăng, chỉ số HNX30-Index giảm tới 7,6 điểm (-3,01%) xuống mức 245,07 điểm.
Trong đó, LHC và DGC là 2 mã duy nhất giữ sắc xanh với mức tăng tương ứng 1,75% và 0,98%, lần lượt đứng tại mức giá 58.000 đồng/CP và 31.000 đồng/CP,.
Còn lại các mã đều giao dịch khá tiêu cực như ACB giảm 1,7% xuống mức 41.000 đồng/CP và khớp 6,43 triệu đơn vị; VGC giảm 2,7% xuống mức 25.300 đồng/CP, VCG giảm 3,5% xuống mức 24.500 đồng/CP, PVS giảm 8,3% xuống mức 25.300 đồng/CP, PLC giảm 6% xuống mức 22.000 đồng/CP…
Cổ phiếu SHB vẫn giảm sâu 4,6% xuống mức giá 12.400 đồng/CP và tiếp tục là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 44,33 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Trên sàn UPCoM, giao dịch cũng khá tiêu cực trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,45%) xuống mức 59,19 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,98 triệu đơn vị, giá trị 199,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,2 triệu đơn vị, giá trị 39,3 tỷ đồng, trong đó QNS thỏa thuận 760.000 đơn vị, gia trị 30,72 tỷ đồng.
Cổ phiếu SVH đã có phiên bùng nổ khi tăng 11,3% lên mức giá cao nhất ngày 12.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu sàn UPCoM đạt 4,77 triệu đơn vị.
Được biết, mới đây, Công ty TNHH MTV - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Đình Thi, Ủy viên HĐQT SVH đã đăng ký bán toàn bộ 4.728.670 cổ phiếu SVH, tỷ lệ 31,91%, thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 31/1 đến ngày 28/2. Rất có thể, lượng cổ phiếu trên đã được chuyển nhượng thành công trong phiên hôm nay.
Các mã lớn như HVN, LPB, DVN, MSR, ACV, VGT, VIB… đều giảm khá mạnh, là tác nhân chính đẩy thị trường đi xuống. Trong đó, các mã HVN, LPB và DVN vẫn duy trì khối lượng giao dịch 1-2 triệu đơn vị.