Mặc dù cũng có những nhịp hồi, song vẫn là quá yếu để có thể cải thiện được sức ép mà thị trường đang gánh chịu. Áp lực bán mạnh và phủ rộng khắp thị trường khiến sắc đỏ bao trùm thị trường, cùng với đó là tâm lý thận trọng dâng cao nên thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Đóng cửa phiên 15/8, với 159 mã giảm và 100 mã tăng, VN-Index giảm 5,11 điểm (-0,66%) xuống 771,06 điểm. Chỉ số VN30-Index cũng giảm 5,32 điểm (-0,71%) xuống 746,07 điểm với 18 mã giảm và 10 mã tăng.

Diễn biến VN-Index phiên 15/8

Tổng khối lượng giao dịch đạt 151,53 triệu đơn vị, giá trị 2.929,56 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 7 triệu đơn vị, giá trị 263,7 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 2,09 triệu cổ phiếu MSN, giá trị gần 92 tỷ đồng; 1,15 triệu cổ phiếu MSN, giá trị 70,75 tỷ đồng; 1,149 triệu cổ phiếu HAR, giá trị 15,46 tỷ đồng…

Áp lực xả mạnh khiến đa phần các cổ phiếu lớn giảm điểm. Top 10 mã vốn hóa lớn nhất có tới 7 mã giảm điểm, các mã tăng cũng chỉ là mức tăng nhẹ. Trong đó, SAB, VIC, GAS và VNM đồng loạt giảm mạnh, tạo sức ép lớn nhất lên chỉ số. SAB -0,5%, GAS -1,6%, VIC -2,1%, VNM -0,8%...

Sau phiên tăng khá tốt hôm qua, BID đã giảm mạnh trở lại 2,4% trong phiên hôm nay, về 10.300 đồng/CP, các mã ngân hàng khác cũng đồng loạt giảm điểm. Thanh khoản giảm sút so với các phiên gần đây, trong đó BID khớp 1,78 triệu đơn vị, còn MBB, CTG và STB khớp khoảng 1,4 triệu đơn vị.

Sau chuỗi 3 phiên tăng mạnh liên tục, HPG quay đầu giảm 1,5% về 33.500 đồng/CP. Trong khi đó, HSG duy trì phiên tăng thứ 3 liên tiếp lên 28.700 đồng/CP. HPG khớp 4,57 triệu đơn vị, HSG khớp 2,75 triệu đơn vị.

Áp lực bán mạnh và trên diện rộng, trong khi bên mua tỏ ra rất thận trọng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và thanh khoản cũng sụt giảm mạnh. Những gì có được trong phiên đầu tuần mới đã bị xóa hết trong phiên hôm nay.

Các dòng cổ phiếu trụ khác như dầu khí, chứng khoán, bất động sản - xây dựng… cũng phân hóa mạnh. ROS tăng 0,5% lên 92.000 đồng/CP và khớp 2,02 triệu đơn vị. NVL tăng 0,8% lên 62.000 đồng/CP và khớp 1,93 triệu đơn vị.

Đối với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là các mã thị trường, dòng tiền đã không còn tập trung mạnh và đa phần giảm điểm.

Các mã FLC, HQC, SCR, ITA, KBC, VHG… cùng giữ sắc đỏ. HQC khớp 6,4 triệu, FLC 5,2 triệu, còn lại chỉ khớp trên 1 triệu đơn vị.

HAI và TSC tiếp tục giảm sàn, lần lượt là phiên thứ 5 và 3 liên tục, về các mức giá là 15.750 đồng/CP và 6.020 đồng/CP. HAI khớp 9,1 triệu đơn vị, TSC khớp 6,1 triệu đơn vị.

Tương tự là QCG và SKG cũng xanh mắt mèo sau các thông tin liên quan đến cổ đông lớn (QCG) hay bị phạt, truy thu thuế hàng chục tỷ đồng (SKG).

Ngược lại, HAR tăng trần lên 14.350 đồng/CP (+6,7%) và khớp 1,4 triệu đơn vị. Đáng chú ý, HVG sau thông tin thoái vốn và giải thể công ty con Địa ốc An Lạc cũng tăng trần lên 6.480 đồng/CP, khớp lệnh 1,2 triệu đơn vị và còn dư mua trần 1,268 triệu đơn vị.

Dẫn đầu thanh khoản là OCG với 10,16 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 2,9% lên 2.880 đồng/CP.

Trên sàn HNX, diễn biến cũng xấu đi kể từ gần cuối phiên sáng, thời điểm nhận tín hiệu bán mạnh trên HOSE, cho đến khi đóng cửa.

Kết phiên, HNX-Index giảm 0,2 điểm (-0,2%) về 101,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,4 triệu đơn vị, giá trị 451,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 2,2 triệu đơn vị, giá trị 33,35 tỷ đồng, trong đó riêng VGC thỏa thuận 1 triệu đơn vị, giá trị 17,2 tỷ đồng.

So với với HOSE, HNX không chịu nhiều sức ép. Việc các mã trụ như ACB, HUT, VC3, MAS, DBC… cùng tăng điểm góp phần nâng đỡ chỉ số. Mặc dù vậy, ngoại trừ HUT khớp lệnh 1,016 triệu đơn vị, các mã tăng điểm đều thanh khoản khá yếu.

SHB dẫn đầu sàn với 5,63 triệu đơn vị được khớp, giảm 1,2% về 7.900 đồng/CP. Hai mã có thanh khoản đứng sau là KLF (4,22 triệu) và PVX (3,24 triệu) cũng đều giảm điểm, trong đó PVX giảm sàn.

Trên sàn UPCoM, sắc đỏ cũng chiếm lĩnh phần lớn thời gian giao dịch.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,19%) về 54,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,6 triệu đơn vị, giá trị 98,39 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,96 triệu đơn vị, giá trị 59,85 tỷ đồng, trong đó VLC thỏa thuận 1,6 triệu đơn vị, giá trị 29,28 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn trên sàn này cũng diễn biến phân hóa mạnh. Trong khi, QNS, GEX, SAS, LTG, VGT… tăng điểm thì HVN, ACV, FOX, VIB… lại giảm điểm.

Toàn sản không có mã nào khớp lệnh đạt từ 1 triệu đơn vị. Cao nhất sàn là DRI với 0,917 triệu đơn vị được sang tên.

Chứng khoán phái sinh có 1.277 hợp đồng được giao dịch, giá trị 95,83 tỷ đồng, tăng 42,2% so với phiên trước đó.