Đầu tháng 7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận, bà Hồ Thị Kim Thoa có hàng loạt sai phạm, khuyết điểm trong giai đoạn đương nhiệm lãnh đạo DQC (1/2004 - 5/2010), dẫn tới bị xem xét thi hành kỷ luật.
Đầu tháng 8, DQC bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt 120 triệu đồng do Công ty công bố thông tin không đầy đủ và quá thời hạn nhiều tài liệu quan trọng. Cần nói thêm, bà Thoa và gia đình đang sở hữu 34,12% cổ phần DQC, người thân của bà Thoa đang nắm nhiều vị trí chủ chốt tại Công ty. Trong khi đó, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm của DQC (trước khi chỉnh sửa) bị phát hiện đã cố tình “quên” cung cấp các thông tin này.
Xen giữa những sự kiện nói trên, một thông tin quan trọng hơn - kết quả kinh doanh của DQC được công bố. Theo báo cáo, lợi nhuận quý II/2017 của DQC giảm 62,6%, lũy kế 6 tháng đầu năm chưa bằng một nửa con số cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ DQC là 50 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) là 1.412 đồng.
Hết lợi nhuận từ khoản phải thu
6 tháng đầu năm 2017, DQC đạt doanh thu tài chính hơn 28 tỷ đồng, bằng khoảng 39% kỳ năm ngoái, khi doanh thu tài chính từ khách hàng Cuba không còn.
Năm 2007, DQC ghi nhận khoản phải thu lớn với Consumimport (Cuba), nhưng khả năng thu hồi bị bỏ ngỏ. Bù lại, khi số tiền này được thanh toán dần bằng USD trong giai đoạn 2008 - 2016, DQC ghi nhận doanh thu tài chính không nhỏ, bao gồm lãi chênh lệch tỷ giá và lãi bán hàng trả chậm.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), khoản phải thu tưởng là khó đòi này mỗi năm đem về từ 50 - 70 tỷ đồng lợi nhuận cho DQC. Năm 2016, DQC ghi nhận 144,3 tỷ đồng doanh thu tài chính, trong đó có 114,2 tỷ đồng là các khoản lãi bán hàng trả chậm và lãi chênh lệch tỷ giá.
Đây là năm cuối cùng, lợi nhuận của DQC được hỗ trợ bởi khoản phải thu Consumimport, vì khoản này gần như đã được xử lý xong. Kết thúc quý I/2017, DQC đã nhận hết khoản phải thu này và ghi nhận vỏn vẹn 625 triệu đồng lãi chênh lệch tỷ giá.
Doanh thu xuất khẩu giảm mạnh
DQC là một trong những doanh nghiệp sản xuất hàng đầu Việt Nam về thiết bị chiếu sáng và điện dân dụng, nhưng Công ty phải đối mặt với khó khăn ở thị trường xuất khẩu.
Năm 2016, doanh thu xuất khẩu chỉ đạt hơn 9,8 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 211,8 tỷ đồng năm 2015 và thấp kỷ lục trong vòng 9 năm. Bù lại, doanh thu bán hàng nội địa tăng từ 785,4 tỷ đồng lên 958,7 tỷ đồng.
Thực tế, thị trường xuất khẩu của DQC có những dấu hiệu khó khăn từ vài năm trước. Dù doanh thu xuất khẩu tăng mạnh trong giai đoạn 2013 - 2015, nhưng phần lớn trong số đó đến từ việc Công ty thanh lý lô hàng Compact tồn từ năm 2007 (khoảng 200 tỷ đồng năm 2013, 400 tỷ đồng năm 2014 và phần lớn trong năm 2015). Giá vốn thấp của lô hàng là một trong những nguyên nhân chính khiến biên lợi nhuận của DQC trong giai đoạn này được cải thiện.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), năm 2016, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bán phá giá các sản phẩm bóng đèn truyền thống trong bối cảnh dư cung tại nước này, trong khi các sản phẩm đèn Led của DQC có sức cạnh tranh không cao trên thị trường thế giới cả về giá thành và thiết kế, nên hoạt động xuất khẩu của Công ty giảm mạnh.
6 tháng đầu năm 2017, DQC đạt doanh thu 418,8 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu chỉ đạt 2,7 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu nội địa không tăng trưởng, đạt 386,5 tỷ đồng, giảm gần 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. DQC giải trình, doanh thu giảm là do do sức mua của thị trường giảm và mức độ cạnh tranh cao hơn năm 2016.
Kỳ vọng thị trường nội địa
Năm 2017, DQC đặt mục tiêu doanh thu 1.050 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 150 tỷ đồng, giảm mạnh so với các năm gần đây (giai đoạn 2014 - 2016, DQC đạt trên 200 tỷ đồng lợi nhuận/năm; EPS đạt lần lượt 8.404 đồng, 6.414 đồng và 5.731 đồng).
Khó khăn ở thị trường xuất khẩu, nhưng ở thị trường trong nước, một số công ty chứng khoán đánh giá cao triển vọng của DQC, với sản phẩm đèn Led. Tiềm năng tăng trưởng từ mảng đèn Led nội địa chủ yếu đến từ ước tính tổng nhu cầu thiết bị chiếu sáng của Việt Nam sẽ tăng 20% trong 5 năm tới và tỷ lệ thâm nhập của đèn Led ở Việt Nam hiện chỉ khoảng 10%.
Hiện DQC đang xây dựng nhà máy sản xuất đèn Led mới, dự kiến hoạt động vào quý II/2018, nâng công suất lên 40 triệu bóng Led/năm. Nhà máy mới sẽ được miễn thuế trong 4 năm đầu, ưu đãi 50% thuế trong 9 năm tiếp theo.
VDSC dự báo, 2 - 3 năm tới là thời điểm tổng hòa các yếu tố thuận lợi cho DQC, giúp Công ty đạt kết quả kinh doanh khả quan.